Siêu thị Auchan hay lòng tự trọng nhiều người đang hạ giá?

23/05/2019 14:45 GMT+7

Tôi đón nhận những bản tin về chuyện người dân 'càn quét' tan nát siêu thị Auchan trong tâm thế chẳng hề bất ngờ.

Chen lấn, xô đẩy nhau để mua hàng; hàng hóa chọn xong rồi lại không mua vất tứ tung hỗn loạn; thoải mái bóc bánh kẹo, nước ngọt và sữa hộp ra uống rồi vất các phần còn thừa lại trên giá để hàng; nhân viên không thể xoay xở nổi và đành chấp nhận nhìn siêu thị Auchan, TP.HCM trong những ngày cuối cùng hoạt động ở Việt Nam, hóa tan tác…
Đó là những gì chúng tôi đọc được trên các tờ báo miêu tả tình trạng ở siêu thị Auchan - đang trong đợt giảm giá mạnh, tới 50% các mặt hàng trong những ngày qua.
Nếu chỉ có một nhóm người nhỏ, người ta có thể báo an ninh, từ nhắc nhở nhẹ nhàng tới áp dụng chế tài xử lý, nhưng ở đây là cả vài trăm con người, chỉ chờ thời cơ này để ào tới, hòng mua được hàng giá rẻ, thì có đến 3 đầu 6 tay người quản lý cũng đành chịu.
Tôi nhớ tới những vụ chen lấn xô đẩy nhau ăn buffet miễn phí ở một nhà hàng ở Cần Thơ năm ngoái; cảnh tượng hỗn loạn giành nhau phần ăn sushi miễn phí ở Hà Nội vài năm trước hay xô đẩy nhau đến ngạt thở, nhiều chị e mặc đồ bikini còn trèo rào để vào tắm miễn phí trong công viên nước hồ Tây (Hà Nội) cũng vào dịp đầu mùa hè dăm ba năm về trước mà ống kính phóng viên đến giờ vẫn lưu lại những hình ảnh “đáng sợ”…
“Miếng ăn là miếng tồi tàn”, các cụ xưa nói, thâm thúy thật đấy, nhưng đến bây giờ nghiệm ra vẫn chua xót.
Để mua được vài ba thứ (mà không phải chỉ phải mua tuần này, tháng này mà sẽ phải mua suốt đời này) có giảm giá ít đồng; để được ăn món này (không phải chỉ ăn một lần trong đời, mà người ta sẽ phải ăn để sống suốt phần đời sau này) miễn phí, người ta sẵn sàng bất chấp chen lấn, xô đẩy, giành giựt, chửi mắng nhau. Tại sao lại hạ giá lòng tự trọng của mình nhiều như vậy?
Tôi đi nhiều siêu thị và luôn luôn ngán ngẩm với những khách hàng, không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ, họ ngang nhiên chen lấn người khác để tính tiền mà không xếp hàng. Nếu cần gấp quá, có thể nói lịch sự một lời để được người phía trước nhường thanh toán trước, sao khó vậy?
Từ siêu thị nhỏ tới lớn, các cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm… không khó bắt gặp cảnh tượng người ta lén bốc bánh kẹo ở các quầy bán theo ký cho con nhỏ ăn; chưa thanh toán nhưng vẫn lén lấy nho trong các khay ăn hay mua hàng cho đầy các xe đẩy cho đã rồi… lẳng lặng tìm một góc nào đó vắng người, quăng đại cái xe đấy, mặc xác nhân viên siêu thị cuối mỗi ngày lại đi gom xe, xếp các mặt hàng lên kệ.
Một lần, tôi đưa con gái mình tới một bãi cát dành cho trẻ em trong công viên chơi. Bỗng nhiên, một bà chừng ngoài 50 tuổi xông tới, giật phắt cái ô tô trong tay một đứa bé, đưa cho cháu mình. Một bà mẹ trẻ khác phi ra, chỉ tay thẳng mặt người phụ nữ kia chửi nhau tay đôi, đại ý rằng tại sao dám cướp đồ của con chị. Hai đứa trẻ tội nghiệp khóc tức tưởi, còn hai người phụ nữ mặc sức chửi nhau náo loạn công viên.
Tôi cứ nghĩ mãi, những người mẹ/người bà trong câu chuyện trên sẽ dạy gì cho các con, cháu của họ về sự lịch sự, văn hóa chốn công cộng, trước khi nói tới việc sở hữu đồ của người khác. Cũng như vậy, trong các siêu thị, như Auchan, trong các nhà hàng, tiệm ăn buffet hay bể bơi công cộng, các ông bố bà mẹ sẽ dạy gì cho những đứa con họ dắt theo, về văn hóa, về lòng tự trọng bản thân, khi chính họ còn chen lấn, chửi thề, chỉ vì một suất ăn hay chiếc khăn mặt đang hạ giá?
“Người Việt mến khách lắm”; “Tôi yêu đất nước của các bạn vì con người giản dị, gần gũi, chân thành, tốt bụng”, chúng ta vẫn ngày ngày đón đọc những câu chuyện tử tế, về người Việt, không chỉ ở trên quê hương mà còn ở những miền đất khác. Điều đó để tôi và nhiều người tự động viên mình rằng, vụ siêu thị Auchan hay nhiều vụ khác, chỉ là một bộ phận nào đó, trong cộng đồng gồm rất nhiều người với đủ lòng tự trọng và sự chuẩn mực văn hóa, đang đi ngược lại đám đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.