Từ xe nước ép trong hẻm tới ông chủ 3 công ty

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/10/2022 14:28 GMT+7

Đi làm thêm từ thời sinh viên, làm nhân viên trong công ty rồi khởi nghiệp, Phú trải qua nhiều công việc khác nhau, để rồi bắt đầu từ một xe nước ép trái cây tại một con hẻm nhộn nhịp của TP.HCM, tới nay anh đã là chủ 3 công ty.

Đó là Nguyễn Thanh Phú trú Q.1, TP.HCM. Có một phẩm chất luôn thường trực ở trong Phú, đó là dù làm bất cứ công việc gì, ở vị trí nào, anh cũng quan tâm làm tốt nhất việc của mình chứ không chăm chăm hỏi lương thưởng, quyền lợi.

Đi làm thuê từ năm 18 tuổi

Phú quê ở H.Bến Lức, Long An, từ nhỏ luôn nức tiếng học giỏi, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, Đoàn - Hội. Cha mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống khó khăn, từ nhỏ Phú đã tự nhủ phải nỗ lực cố gắng hơn nhiều lần để có một tương lai không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Luôn xác định kỹ năng nghề nghiệp là quan trọng, nên ngay từ lớp 8 Phú đã quan tâm, tự học tiếng Anh, tin học.

Xe nước ép trong hẻm đường Bùi Viện, nơi khởi đầu của ông chủ trẻ.

NVCC

18 tuổi, ngay sau khi tham gia thi tuyển sinh đại học, Phú đã khăn gói lên TP.HCM nộp đơn xin việc và được nhận vào làm tại một công ty nhập liệu của Đức, chuyên đánh máy vi tính từ điển ngôn ngữ như Anh, Pháp, Ý, Đức...

Thời sinh viên của Phú là những chuỗi ngày thỏa chí đam mê với nghề nghiệp mình yêu thích, lăn lộn hết chỗ làm này đến chỗ làm khác. Miễn có khung giờ làm việc phù hợp việc học, cần đến những chuyên môn mà anh đang sở hữu, Phú đều làm để kiếm tiền, tự lo cho bản thân.

Vốn ham học, tò mò với nhiều thứ, trong lúc còn chưa nhận bằng công nghệ thông tin, Phú học tiếp chương trình cử nhân Ngữ văn Anh. Vừa đi làm, anh vừa học thêm ngành kinh tế và cuối cùng là thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA.

Yêu thích kinh doanh từ sớm, Phú từng tham gia mở công ty với một vài người quen biết nhưng chẳng mấy thành công. Năm 2008, Phú nộp đơn vào tập đoàn Tân Tạo, gắn bó tại đây gần 10 năm, học hỏi được nhiều điều quý báu. Bắt đầu từ một nhân viên trong một công ty truyền thông của tập đoàn rồi lên làm trưởng phòng sau đó là nhiều vị trí quan trọng khác. “Đó là một thời kỳ đáng nhớ, dù làm bất cứ công việc gì, tôi cũng nỗ lực hết sức mình, xem mình có thể đóng góp cho tập thể nhiều hơn, xứng đáng với đồng lương tôi nhận được hay không”, anh chia sẻ.

Thạc sĩ đi bán nước ép vỉa hè

Năm 2015, sau một chuyến đi đến Thái Lan, anh Phú nhận thấy mình cần thay đổi, thử thách bản thân ở một vai trò mới, Phú quyết định khởi nghiệp ngành chay, với mong muốn mang lại những món ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Với nguồn vốn ít ỏi, chàng thạc sĩ quản trị kinh doanh đã khởi đầu bằng một xe sinh tố nước ép trái cây, lấy thương hiệu là Veggie Saigon ở trong hẻm đường Bùi Viện, Q.1. Nơi ấy siêu nhỏ với vài cái ghế giản đơn, đủ cho vài thực khách ngồi thưởng thức, ngắm dòng người qua lại.

Phú (thứ 3 từ trái qua) cùng bạn bè

NVCC

Chẳng bao lâu, xe nước ép ngày càng đông khách, nhất là khách nước ngoài. Họ yêu thích những món nước lành mạnh và đặc biệt là được nói chuyện bằng tiếng Anh với ông chủ trẻ vui tính.

Vừa khởi nghiệp trong ngành ăn uống, vừa làm việc ở công ty, sau một thời gian Phú nhận thấy không ổn, anh xin nghỉ việc ở tập đoàn để toàn tâm toàn ý lo cho đứa con tinh thần mới của mình.

Ông chủ 3 công ty, 3 nhà hàng chay

Việc thuê mặt bằng luôn có những đổi thay, xe nước ép của Phú dời đến hẻm Phạm Ngũ Lão rồi sau đó ra hẳn mặt tiền đường Lê Lai, chia sẻ mặt bằng với một nhà hàng khác. Một ngày, nhà hàng kia ngừng kinh doanh. Sau 2 tuần suy nghĩ, Phú bắt tay set up một nhà hàng chay mới toanh, dù chưa từng có kinh nghiệm.

Phú góp ý cho đầu bếp về món chay, anh đang là chủ của 3 công ty.

THÚY HẰNG

Đó là năm 2017, nhà hàng chay Veggie Saigon đầu tiên ra đời, với những món cơ bản cơm chay văn phòng. Vừa làm vừa học, chịu khó tìm tòi thị hiếu của khách hàng, nhà hàng Phú ngày được nhiều người biết đến. Với chuyên môn làm nhiều năm về marketing, Phú tự xây dựng fanpage, giới thiệu các món ăn bằng cách riêng của mình, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng và đo lường mức độ phản ứng của khách qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Anh lắng nghe ý kiến và điều chỉnh để món ăn ngày một hấp dẫn hơn.

Từ nhà hàng chay đơn giản ấy, Phú mở thêm vài nhà hàng chay khác khi thấy có nhu cầu. Đến thời điểm hiện tại, Phú đang sở hữu Công ty kinh doanh PNT sở hữu 3 nhà hàng chay đều lấy tên Veggie Saigon ở 22 Đề Thám, Q.1; 1B Võ Trường Toản, Q.2 và 35 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM. Bên cạnh đó anh còn là chủ Công ty Nhà Bếp Trung Tâm, đầu mối cung cấp nông sản và nguyên vật liệu cho các quán chay.

Đáng nể, Phú vẫn không quên dành thời gian cho công ty dịch thuật mà anh sáng lập từ năm 2007 tới nay. Công ty tên Cổ phần công nghệ và dịch thuật Số Hóa, đến nay vẫn do anh làm chủ và điều hành. “Từ làm thuê lên làm chủ, tôi thấu hiểu nhân viên hơn và cũng thấu hiểu nỗi lòng của những người làm chủ. Tôi cũng học hỏi được những kinh nghiệm từ các nhà quản lý giỏi từ các công ty, tập đoàn, vận dụng linh hoạt vào công ty của mình”, Phú nói.

Tất nhiên, anh cũng trải qua nhiều thất bại. Có những địa điểm quán chay mở chưa được bao lâu phải đóng cửa, tìm mặt bằng khác. Hay có lần Phú còn thử sức mở trung tâm sự kiện tiệc chay ở Thanh Đa, Q.Bình Thạnh nhưng phải đóng cửa vì dịch Covid-19.

Anh cho hay càng làm, anh càng thấm thía câu “không gì là mãi mãi”. “Tôi chọn cách phân bổ đều nguồn vốn, nguồn lực, tương trợ nhau trên nhiều mặt trận, nhiều phương thức bán hàng khác nhau để đảm bảo đủ “nguồn sống” cho hệ thống khi có bất kỳ sự thay đổi nào xảy ra”, người từ đi làm thuê vươn lên làm chủ bộc bạch.

Chị Kiều Thị Thùy Diễm, làm việc tại Công ty Teleperformance Penang, Malaysia, một khách hàng được coi như tri kỷ tại quán ăn của anh Phú kể với phóng viên Báo Thanh Niên chị ghé quán ăn của anh Phú lần đầu tiên chắc đã được 6-7 năm, từ ngày Veggie Saigon nằm ở 92B Lê Lai. Suốt thời gian qua, mỗi khi quán chay mở thêm cửa hàng mới, chị Diễm đều ghé tới ăn thử. Cho tới tận bây giờ, mỗi khi từ Malaysia về lại TP.HCM, chị Diễm vẫn chọn quán của anh Phú ở đường Đề Thám để ăn cùng bạn bè hoặc cùng gia đình. “Tôi thích các món kho và canh chua của Phú, nó rất đậm đà, rất miền Tây, đúng hương vị những bữa ăn gia đình mà mình hay nấu”, chị Diễm nói.

“Anh Phú rất nghiêm túc với công việc của mình. Nhiều năm trước, khi các quán chay ở TP.HCM chưa nhiều, tôi đã thấy anh Phú đầu tư cho việc giới thiệu các món ăn chay của mình trên các ứng dụng (app) mà dân ăn chay trường thường sử dụng, tìm kiếm quán chay”, chị Diễm nói.

“Đi ăn ở đâu tôi cũng chú ý tới gian bếp và nhà vệ sinh. Ở các quán của anh Phú, cả hai nơi đều sạch tinh tươm. Đặc biệt bếp sạch tới mức nhân viên nhà bếp đều có thể đi chân không, đó là những điều tôi rất ấn tượng”, vị khách tri kỷ nói thêm.

Trong khi đó, Phạm Chí Mỹ, 30 tuổi, nhà khởi nghiệp với các loại hạt dinh dưỡng Husinut, trú đường Kênh Tân Hóa, Q.Tân Phú, TP.HCM, một khách hàng quen thuộc của anh Phú thì nhận xét: “Ông chủ hòa đồng, hiếu khách. Đáng chú ý, anh ấy rất say mê, làm việc nghiêm túc, tâm huyết với việc phát triển quán chay của mình. Về thực đơn, các món ăn luôn được thay đổi dựa trên sự lắng nghe phản hồi từ mọi người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.