Chính vì thế, đã có nhiều cuộc bàn luận, mổ xẻ trong giới điện ảnh xoay quanh “hiện tượng phim Việt” Bố già. Với doanh thu hơn 350 tỉ đồng tính đến nay, Bố già đã tạo ra vô số kỷ lục mới ở thị trường rạp chiếu tại VN. Nhiều nhà làm phim bên cạnh việc cảm thấy vui mừng cũng đặt ra những nỗi lo riêng.
Sẽ thất bại nếu làm phim bắt chước kiểu Bố già
Trao đổi về vấn đề này, biên kịch Bình Bồng Bột - người viết kịch bản các phim Em và Trịnh, Trạng Tí và Việt hóa Tiệc trăng máu, cho biết: “Rạp khát khán giả, khán giả thì đang khát phim hay. Và Bố già như một cơn mưa tưới mát cùng lúc cả hai cơn khô hạn ấy. Tôi nghĩ những ai đang làm phim rồi sẽ nhớ Bố già, như đã từng nhớ Gái nhảy (2003) của đạo diễn Lê Hoàng đã có công kích hoạt trở lại các rạp chiếu ngày trước. Sự thành công của Bố già cho thấy phim ta có thể ăn trên sân nhà, đấu sòng phẳng với những phim nước ngoài. Khẩu hiệu "Giải cứu phim Việt", "Ủng hộ phim Việt" cất vào kho được rồi. Điều tôi lo ngại nhất là mọi người sẽ nảy ra tư duy "làm phim kiểu Bố già", nhưng nên nhớ Trấn Thành chỉ có một Bố già và muốn thành công ở phim tiếp theo, anh sẽ cần một câu chuyện khác, cách kể chuyện khác. Nếu giữ tư duy "làm phim về gia đình kiểu Bố già" thì điện ảnh Việt chỉ có những bản sao thảm hại mà thôi”.
Tuy nhiên, đạo diễn Tiệc trăng máu cũng nói thêm: “Việc Bố già bị dời lịch chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng có thể xem như trường hợp “trong cái rủi có cái may” và đúng nghĩa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bởi nếu phim công chiếu đúng vào dịp Tết Nguyên đán như dự định ban đầu thì có thể không được “nhiệt” như thời điểm hiện tại, khi mọi người đã quá khát khao được quay trở lại với rạp chiếu”. Đạo diễn Charlie Nguyễn nói thành công của Bố già đến từ khía cạnh nội dung thấm đẫm triết lý châu Á, với tình thân và tình cảm gia đình là trọng tâm: “Tôi tạm gọi bí quyết đó bằng cụm từ “Asian grand passion” (Ước vọng châu Á). Sau nhiều năm làm phim, tôi nhận ra đa số những bộ phim thành công tại thị trường VN đều đưa vào được thành tố quan trọng này. Những câu chuyện xoáy vào tình cảm gia đình, máu mủ ruột thịt đều chạm được đến mức cao nhất tình cảm của khán giả. Bố già là một trường hợp tiêu biểu làm được rất tốt việc này”.
Các đạo diễn đều khẳng định “không có công thức nào để làm ra bộ phim trăm tỉ”. Tuy vậy, theo đạo diễn Lê Thanh Sơn, các phim đều có mẫu số chung nhất định: “Đó là kịch bản có tính đột phá, chất lượng diễn xuất, đặc biệt là sự thăng hoa của diễn viên. Trường hợp Kaity Nguyễn trong Em chưa 18 cho thấy đó là làn gió mới của điện ảnh, góp phần thu hút khán giả. Và còn nhiều yếu tố khác để chạm đến trái tim khán giả. Ngoài câu chuyện chất lượng, hợp thị hiếu khán giả, không thể không kể đến yếu tố may mắn”. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng: “Không nhà làm phim nào dám tự tin phim mình ra rạp sẽ đạt doanh thu trăm tỉ và yếu tố may mắn luôn rất lớn. Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba phần 2, Bố già… ra rạp sau thời gian dài rạp đóng cửa vì dịch, khán giả “đói” phim, cộng với hợp thị hiếu nên thành công vang dội cũng là minh chứng”.
Cơ hội nào để điện ảnh Việt tiếp tục thăng hoa ?
Bản thân Trấn Thành khi nói về Bố già cũng cho rằng: “Không có bộ phim nào thành công mà không cần đến sự may mắn. Với Bố già, khán giả trong một, hai ngày đầu có thể tới rạp vì cái tên Trấn Thành. Song những ngày sau đó, người ta mua vé bởi bản thân bộ phim, nếu hay thì họ mới truyền miệng nhau để thành một làn sóng đi xem ở rạp”.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn nói thêm: “Những bộ phim chất lượng khiến khán giả thấy mình trong đó, họ sẽ mời bạn bè, gia đình cùng đi xem chung, tạo nên văn hóa xem phim. Thành công của Bố già đã kích hoạt thị trường, khiến khán giả bớt định kiến với phim Việt, đồng thời cũng kích thích các nhà làm phim sáng tạo, thay đổi tư duy, mở rộng tầm nhìn để sản xuất ra được những bộ phim tốt hơn”. Còn theo đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Doanh thu cao sẽ là động lực để các nhà làm phim cố gắng tạo tác phẩm tốt”.
Với số lượng phim Việt vượt mốc doanh thu trăm tỉ đều đặn tăng lên vài năm gần đây, nhiều nhà làm phim hy vọng sẽ tiếp tục có phim tạo nên cơn sốt phòng vé trong thời gian tới. Trước mắt, khán giả sẽ được thưởng thức 7 bộ phim điện ảnh Việt trong tháng 4 này, trong đó có nhiều phim được kỳ vọng đến từ các ê kíp tên tuổi như: Phi Tiến Sơn, Mai Thu Huyền, Trần Bửu Lộc với phim Kiều làm theo nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lý Hải với Lật mặt 48 giờ, Victor Vũ với Thiên thần hộ mệnh, Nhất Trung cùng bộ ba Lan Ngọc, Nhã Phương, Diễm My 9X với 1990, Ngô Thanh Vân và Phan Gia Nhật Linh với Trạng Tí… “Nhu cầu của khán giả đến rạp là có thật và vẫn luôn sẵn sàng bùng lên với những bộ phim có nội dung chất lượng, tạo được sự thu hút, tò mò kháo nhau từ người xem”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.
Bình luận (0)