Theo giảng viên Nguyễn Hồng Nhung, vợ NSƯT Xuân Bắc, những bất cập trong Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là bàn ghế của trường vừa thiếu vừa xuống cấp. Đặc biệt với khoa Sân khấu điện ảnh và Múa của bà Nhung, nơi giảng dạy nghệ thuật kịch, thậm chí còn không có sân khấu.
Trao đổi với PV Thanh Niên, NSƯT Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Việc mua sắm bàn, ghế đã nằm trong kế hoạch mua sắm của nhà trường từ đầu năm nhưng do hạng mục này nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố nên phải phụ thuộc vào các quy định của thành phố về trình tự, thủ tục và thời gian, do vậy nhà trường không thể tự chủ động triển khai. Theo hợp đồng thì đơn vị nhà thầu sẽ bàn giao bàn, ghế cho nhà trường vào ngày 20.9 tới đây”.
Về vấn đề khoa của bà Nhung không có bục bệ sân khấu, bà Ánh cho rằng phải do khoa đề xuất bởi việc này mang tính chuyên môn của từng chuyên ngành. “Trên thực tế, từ 3 năm trở lại đây, khoa Sân khấu điện ảnh và Múa không thấy đề xuất, do vậy nhà trường không đưa vào kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập của trường. Sau cuộc họp có kết luận, yêu cầu Ban chủ nhiệm khoa thống nhất và gửi đề xuất lên nhà trường. Ban giám hiệu sẽ xem xét rồi đưa vào kế hoạch của nhà trường để đầu tư cho khoa trong năm tới”, bà Ánh cho biết.
tin liên quan
Vợ Xuân Bắc livestream khóc vì bị chèn ép trong việc giảng dạyTuy nhiên, bà Minh Ánh cũng cho biết, thành viên Ban chấm thi chuyên ngành Sân khấu điện ảnh năm 2017 vừa qua gồm: NSND Anh Tú, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trần Đức, NSƯT Minh Vượng ( đều là người ở ngoài trường - PV).
“Họ đưa toàn cộng tác viên ở ngoài vào chấm. Nếu như những năm trước NSƯT Trần Đức còn dạy trong khoa, cô Lan Anh dạy trong khoa, họ chấm thì tôi không có ý kiến. Nhưng bây giờ, họ đã về hưu, không ở khoa nữa. Chú Đức (NSƯT Trần Đức) đã nghỉ hưu 4 năm, cô Lan Anh nghỉ 1 năm”, bà Nhung nói.
Theo một cán bộ quản lý Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo), trong khoản 1 điều 15 quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy ghi: Thành viên của hội đồng (chấm thi tốt nghiệp - PV) là giảng viên của trường hoặc có thể mời thêm những người có chuyên môn phù hợp ở ngoài trường. “Với quy định này, nên hiểu là có cả giảng viên của trường và người có chuyên môn phù hợp ở ngoài trường”, vị cán bộ này cho hay.
Cũng theo vị cán bộ này, trong quyết định 25, điều 16 có nhắc đến quyền của hiệu trưởng các đơn vị đào tạo một số ngành đặc thù thuộc các lĩnh vực như nghệ thuật, kiến trúc, y tế, thể dục thể thao, trong đó hiệu trưởng quy định nội dung, hình thức thực tập cuối khóa, hình thức bảo vệ, chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, thi tốt nghiệp khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp phù hợp với đặc điểm các chương trình của trường.
“Hiệu trưởng sẽ có những quyền quyết định nhất định. Nếu ở cơ sở đào tạo đảm bảo tính dân chủ thì họ sẽ có những quyết định bằng văn bản, trước khi có văn bản thì phải lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên trong đơn vị mình. Căn cứ vào đó mới biết họ có làm sai hay không", vị cán bộ cho biết.
Bình luận (0)