Vì sao giá lúa gạo hạ nhiệt?

Chí Nhân
Chí Nhân
23/02/2024 19:07 GMT+7

Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL giảm hơn 1.000 đồng/kg trong tuần qua, bên cạnh đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước cũng giảm về gần mốc 600 USD/tấn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do yếu tố tâm lý.

Tại vựa lúa miền Tây, hàng triệu nông dân đang lo lắng khi từ sau tết đến nay giá lúa gạo liên tục giảm. Nhiều người cho rằng đây là điều bất thường vì những năm trước khi vào đợt thu hoạch vụ đông xuân, giá chỉ giảm vài chục đến vài trăm đồng chứ không giảm mạnh như hiện tại.

Vì sao giá lúa gạo hạ nhiệt?- Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia, giá lúa gạo giảm chỉ là nhất thời khi Việt Nam vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân

DUY TÂN

Ông Nguyễn Thành An ở xã Tân Tuyến (Tri Tôn, An Giang) cho biết: Ngày 27.2 sẽ thu hoạch 30ha lúa Đài thơm 8, năng suất ước đạt trên 1 tấn/công (công cắt 1.300 m2). Giá lúa hiện tại không được tốt như kỳ vọng hồi trước tết là trên 9.000 đồng/kg. Từ mùng 6 tết (15.2) giá lúa bắt đầu giảm liên tục đến nay đã hơn 1.000 đồng/kg. Cụ thể giá lúa lúc đó là 8.600 đồng/kg đến mùng 10 còn 8.200 đồng/kg. Sang đến ngày 11 âm lịch thấy giá xuống còn 8.100 đồng/kg nên tôi vội chốt luôn luôn vì sợ giá tiếp tục giảm. Mà đúng vậy thật, đến ngày hôm qua (22.2) chỉ còn 7.600 đồng/kg. Nhờ xuống giống sớm, né được sâu bệnh và thời tiết bất lợi nên năng suất tốt và giá dù giảm nhưng vẫn khá tốt. Tôi lo nhất là những diện tích sẽ thu hoạch vào cuối tháng sau, năng suất giảm vì thời tiết bất lợi và chi phí đầu tư lớn cũng như chưa biết giá cả sẽ diễn biến ra sao.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), thị trường thế giới hạ nhiệt và giá gạo xuất khẩu của các nước đồng loạt giảm. Trong đó gạo 5% tấm của Việt Nam giảm mạnh nhất 19 USD xuống còn 609 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan đang ở mức 611 USD/tấn và Pakistan là 612 USD/tấn.

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý. Các nhà nhập khẩu gạo biết Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nên chưa vội mua vào mà chờ giá tốt. Đây là điều bình thường những năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn. Bên cạnh đó, một trong những khách mua gạo lớn là Indonesia vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1.2024 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, những diễn biến gần đây trước kỳ bầu cử ở Ấn Độ cũng khiến các nhà nhập khẩu chưa vội "chốt đơn".

Đối với nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu tuy có hợp đồng lớn với Indonesia, Philippines nhưng họ chưa vội mua vào mà chờ giá tốt, đảm bảo lợi nhuận theo mức ký hợp đồng với đối tác. Nhiều doanh nghiệp cùng thu mua cầm chừng khiến giá gạo nội địa lao dốc.

Ở chiều ngược lại, El Nino đang gây nắng nóng ở nhiều nước châu Á khiến diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng và năng suất giảm. Điều này không chỉ xảy ra với các nước nhập khẩu gạo mà cả các nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar... Nắng nóng gây khô hạn ảnh hưởng đến nguồn cung gạo về lâu dài, ít nhất là trước khi kết thúc bầu cử ở Ấn Độ. Như vậy có thể trong vòng tuần sau hoặc 10 ngày nữa các doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh thu mua lúa vì nếu không sẽ không có hàng để thực hiện hợp đồng. Khi đó, giá lúa nội địa sẽ ổn định trở lại và giá gạo xuất khẩu sẽ tăng trở lại.

"Chúng ta có thể tin rằng, giá lúa gạo sẽ sớm tăng trở lại nếu quan sát động thái mới từ nguồn cung quan trọng là Ấn Độ. Ngày 21.2, chính phủ Ấn Độ đã quyết định gia hạn vô thời hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Nghĩa là nguồn cung gạo thế giới chưa có tín hiệu nới lỏng. Các đợt cao điểm nắng nóng tiếp theo trong mùa khô năm nay ở châu Á sẽ lại hâm nóng thị trường gạo toàn cầu", một chuyên gia nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.