Xử lý căng thẳng ở Ukraine: Thể thức Normandy là gì và đã đạt được gì?

30/01/2022 08:20 GMT+7

Các nhà ngoại giao Đức, Nga, Pháp, Ukraine vừa gặp nhau tại Paris trong khuôn khổ Thể thức Normandy nhằm nỗ lực giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Vậy Thể thức Normandy là gì?

Thể thức Normandy là một diễn đàn không chính thức do các nhà ngoại giao Pháp, Đức, Nga và Ukraine lập ra vào năm 2014, sau khi nổ ra xung đột vũ trang đòi ly khai ở vùng Donbass (miền đông Ukraine).

Tên gọi của diễn đàn được lấy cảm hứng cuộc đổ bộ Normandy lừng danh hồi Thế chiến thứ 2.

Cuộc họp đầu tiên cũng được diễn ra ngay tại Normandy bên lề buổi kỷ niệm 70 năm sự kiện này.

Thể thức Normandy đã đạt được những gì?

Thể thức Normandy chưa đạt được nhiều thành tựu.

Đáng kể có Thỏa thuận Minsk, đạt được hồi năm 2014 ở thủ đô của Belarus nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine, do Pháp và Đức đảm nhận vai trò trung gian. Nhưng văn kiện này đã không thể ngăn chặn các cuộc giao tranh diễn ra.

Một biện pháp mới với tên gọi Minsk II được ký kết vào 2.2015 sau 16 giờ đàm phán, nhưng rồi cũng không mang lại nhiều ý nghĩa khi giao tranh vẫn tiếp diễn, dù các bên đều nhất trí rằng thể thức Normandy sẽ là cơ sở cho bất kỳ giải pháp nào trong tương lai để giải quyết cuộc xung đột.

Nga kiên quyết cho rằng mình không phải là một bên trong cuộc xung đột và do đó không bị ràng buộc bởi các điều khoản của thỏa thuận Minsk.

Ý chính của Thỏa thuận Minsk

Thỏa thuận này kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột, ân xá từ cả hai bên và trao đổi tù nhân và con tin.

Đây được xem là những nỗ lực phức tạp và mong manh nhằm tìm lại hoà bình cho miền đông Ukraine. Nhưng về bản chất, thỏa thuận này tìm cách dung hòa giữa đòi hỏi của Ukraine về chủ quyền tuyệt đối với lãnh thổ của mình, và quan điểm kiên quyết của Nga rằng cộng đồng nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine muốn tự trị.

Đã làm gì để tìm cách chấm dứt bế tắc?

Có hai kế hoạch đã được đề ra: Kế hoạch Morel và Thể thức Steinmeier được đưa ra vào năm 2015 và 2016.

Cả hai đều đề xuất một luật về “quy chế đặc biệt” cho vùng Donbass, sẽ có hiệu lực vào ngày bầu cử.

Các cuộc bầu cử này phải được tổ chức một cách tự do và công bằng dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE). Cả hai đề xuất đều không được Kiev chấp nhận bởi vì quân đội Nga sẽ được duy trì trong quá trình bầu cử.

Năm 2019 đã xảy ra chuyện gì?

Sau ba năm tạm dừng, các nhà lãnh đạo của Định dạng Normandy gặp nhau tại Paris vào tháng 12.2019.

Lãnh đạo các quốc gia trong một cuộc gặp hồi năm 2019

ẢNH: TASS

Đây là cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ông Zelenskiy rất coi trọng việc kết thúc chiến tranh vì đây là một trong những lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử.

Các bên đạt được thỏa thuận về việc trao đổi tù binh và lệnh ngừng bắn hoàn toàn, nhưng vẫn không có đột phá chính trị nào đối với cuộc xung đột mà đến khi đó đã kéo dài 5 năm.

Giới quan sát xem đây là “kết quả hoà” cho cả hai bên.

Vì sao Anh – Mỹ không tham gia vào định dạng Normandy?

Trong cuốn tự truyện của mình, cựu Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận rằng có vẻ nước đã bị loại khỏi những nỗ lực ngoại giao vào năm 2014. Tuy nhiên ông khẳng định rằng mình và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn cho ông Putin cơ hội có cuộc hội đàm cao cấp, có thể làm lu mờ lễ kỷ niệm ngày giải phóng nước Pháp.

Tuy nhiên, cựu Phó thủ tướng Anh Nick Clegg nói rằng đây là một sai lầm chiến lược quá lớn mà Anh phải trả giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.