Ngày 3.8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 sau 10 ngày triển khai. Đến tối 2.8, hơn 920.000 người được tiêm vắc xin, trong đó 1.039 người có phản ứng sau tiêm, chủ yếu là triệu chứng nhẹ và tất cả an toàn.
Đến nay, TP.HCM nhận tổng cộng khoảng 2,5 triệu liều vắc xin từ nguồn phân bổ của Bộ Y tế; trong đó có khoảng 2 triệu người được tiêm 1 mũi, khoảng 70.000 người tiêm 2 mũi, 400.000 liều cấp cho các đơn vị T.Ư đóng trên địa bàn. Các loại vắc xin được phân bổ gồm: AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Chưa tiêm vắc xin Vero Cell
Cũng theo ông Đức, ngày 31.7 vừa qua TP.HCM nhận 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm từ nguồn doanh nghiệp ủng hộ. Đơn vị nhập khẩu đã gửi hồ sơ để Bộ Y tế thẩm định theo đúng quy trình, khi thẩm định xong, đạt chất lượng thì tổ chức tiêm chủng như đợt 5 vừa qua. “Chính sách của nhà nước là tiêm miễn phí, tự nguyện cho toàn dân”, ông Đức khẳng định và cho biết các loại vắc xin được tiêm phải thỏa mãn 2 điều kiện là: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp và Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách. Vắc xin Vero Cell được WHO cấp phép khẩn cấp ngày 7.5 và Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp ngày 3.6. Do đang được Bộ Y tế thẩm định nên TP chưa triển khai tiêm vắc xin Vero Cell trong đợt này. Khi nào Bộ Y tế thẩm định xong thì tổ chức tiêm vắc xin theo nguyện vọng.
TP.HCM chính thức bước vào đợt tiêm vắc xin thứ 6 từ hôm qua (3.8) và dự kiến kéo dài đến hết tháng 8. Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, hiện đã tiêm được 2 triệu liều nên còn khoảng 5 triệu người cần được tiêm. Theo ông Đức, nếu được T.Ư cung cấp vắc xin đầy đủ và đúng tiến độ như đề xuất của TP.HCM (từ 5 - 5,5 triệu liều) thì sẽ đạt mục tiêu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm trong tháng 8. Về năng lực tiêm chủng, hiện TP.HCM có khoảng 1.200 đội tiêm và có thể đạt 300.000 người/ngày; nếu đủ nguồn vắc xin thì tăng năng lực tiêm lên 350.000 mũi/ngày.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đánh giá vắc xin là vấn đề quan trọng, quyết định đến mục tiêu đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới nên TP đặc biệt quan tâm. Bên cạnh nguồn phân bổ từ T.Ư, TP đã xin chủ trương tự tìm kiếm bằng nguồn lực xã hội hóa. Dù vậy, vắc xin khan hiếm nên khó tiếp cận, UBND TP.HCM đã ký cả trăm ghi nhớ với các đơn vị cung ứng nhưng đến nay ngoài nguồn được cấp thì TP chưa nhận được liều nào từ nguồn chủ động này. Ông Mãi khẳng định công tác tiêm vắc xin theo nguyên tắc minh bạch và tự nguyện; đồng thời cho biết 1 triệu liều vắc xin Vero Cell đang được Bộ Y tế thẩm định chất lượng, nếu được cấp phép thì cũng sẽ tiêm trên nguyên tắc này.
Cam kết không để dân thiếu, đói
Những ngày qua, rất nhiều người dân ở các tỉnh đang cư trú tại TP.HCM có nhu cầu về quê tránh dịch, nhưng số lượng người về thông qua các tổ chức, hội đồng hương chỉ chiếm số nhỏ. Theo ông Phan Văn Mãi, số lượng người dân từ các tỉnh đang công tác, làm việc ở TP rất lớn, có thể lên đến cả triệu người. Nếu tất cả bà con về quê vào thời điểm này thì công tác tổ chức, đón nhận sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi nhiều tỉnh thành phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển giữa các địa bàn.
Do đó, ông Mãi đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại; TP sẽ tập trung nguồn lực, sự giúp đỡ của các địa phương, kể cả ngân sách, quỹ dự trữ để đảm bảo chăm lo. “Chúng tôi cam kết không để bà con thiếu, đói”, ông Mãi khẳng định và cho biết TP xác định công tác chăm lo, hỗ trợ người dân không chỉ 1 - 2 tuần mà có thể kéo dài 1 - 2 tháng hoặc hơn nữa. TP.HCM đã đề nghị các phường, xã, thị trấn nắm danh sách công nhân, lao động, sinh viên… bị mất việc thời gian qua, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Ông Mãi nhìn nhận số lượng người dân ở TP rất đông, có thể các đơn vị không bao quát được hết nên bà con chủ động liên hệ địa phương hoặc thông qua Tổng đài 1022 (kênh 2). Sắp tới, TP.HCM sẽ củng cố lại và mở thêm kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời chăm lo.
Về công tác điều trị, ông Mãi cho biết khi TP xác định chuyển hướng sang điều trị thì việc đếm ca dương tính sẽ không còn ý nghĩa lớn nữa; thay vào đó là số ca tiếp nhận điều trị, ca chuyển nặng, ca tử vong sẽ rất quan trọng để điều chỉnh kịp thời. Hiện các cơ sở điều trị được tăng cường cơ sở vật chất, các bệnh viện tuyến quận áp dụng mô hình tách đôi, thậm chí tăng năng lực tiếp nhận điều trị, cấp cứu lên đến 100%. Tuy nhiên, khi mở rộng năng lực điều trị thì TP đối mặt với yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị, đến thời điểm này đã quá tải.
Trả lời câu hỏi số ca tử vong hiện đang tập trung ở tầng nào, ông Mãi thông tin hiện chưa có thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, qua quan sát thì khâu tiếp nhận, xử trí ở tầng 3 (F0 triệu chứng trung bình, bệnh nền cần điều trị) còn gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ y tế và trang thiết bị. “TP.HCM đã đề nghị Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ khâu này để kết nối liên thông tầng 3 - 4 - 5 nhằm kịp thời chỉ định biện pháp điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong”, ông Mãi nói.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết trong khoảng 30.000 thông tin phản ánh qua kênh 2 - Tổng đài 1022 chuyển về cho địa phương, có 65 - 75% thông tin được xác minh và hỗ trợ nhu cầu của người dân khó khăn, số còn lại không đủ điều kiện xử lý hoặc đang chờ xử lý. Đối với kênh 3 kết nối người dân với y bác sĩ tư vấn sức khỏe, thời gian qua tiếp nhận và tư vấn thành công 5.728 cuộc gọi; trung bình 636 người/ngày. Liên quan đến Tổng đài 115, tính đến 1 giờ chiều 2.8 có 89% cuộc gọi đã được đáp ứng nhu cầu, 10% cuộc gọi bị nhỡ, 1% cuộc gọi gây rối. “Sở TT-TT sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng năng lực tiếp nhận cuộc gọi, phấn đấu đạt 100% các cuộc gọi đều được tiếp nhận và đáp ứng”, ông Thắng cho hay.
|
Bình luận (0)