Ngày 8.6, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có tờ trình UBND TP.HCM về phê duyệt kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi ngụ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo.
Theo số liệu Công an TP.HCM cung cấp, TP.HCM quản lý hơn 1 triệu (1.055.543) người cao tuổi (từ 60 tuổi). Do đó, nếu triển khai khám tất cả người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM thì tổng kinh phí dự kiến mỗi năm gần 150 tỉ đồng.
Theo kế hoạch này, mỗi người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Kết quả khám sức khỏe được tích hợp và cập nhật vào hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người dân tự quản lý thông tin sức khỏe cá nhân. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở khám chữa bệnh khi người dân đến khám.
Cũng từ dữ liệu này, TP.HCM xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật ở TP.HCM để chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chia nhóm người cao tuổi để khám sức khỏe
Theo kế hoạch, các địa phương lập danh sách và phân loại người cao tuổi theo từng nhóm, đồng thời lên kế hoạch mời người cao tuổi đến các điểm khám sức khỏe trên địa bàn.
Nhóm 1: Gồm những người cao tuổi đã được chẩn đoán ít nhất 1 bệnh trong phiếu khám sức khỏe, đang điều trị liên tục và không có các yếu tố nguy cơ của các bệnh khác trong chương trình khám sức khỏe.
Nhóm 2: Gồm những người cao tuổi chưa được chẩn đoán các bệnh trong chương trình khám sức khỏe.
Nhóm 3: Gồm các trường hợp còn lại (những người cao tuổi đã được chẩn đoán ít nhất 1 bệnh trong phiếu khám sức khỏe nhưng không điều trị liên tục hoặc bỏ trị hoặc người cao tuổi có các yếu tố nguy cơ của các bệnh khác trong chương trình khám sức khỏe...).
Người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ miễn phí ở đâu ?
Cơ sở khám sức khỏe cho người cao tuổi là trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực có giấy phép hoạt động. Các cơ sở này đảm bảo đủ nhân sự, trang thiết bị và phối hợp địa phương để bố trí khu vực khám sức khỏe thuận tiện cho việc di chuyển của người dân và đảm bảo hoạt động chuyên môn.
Đơn vị được phân công khám sức khỏe phải thành lập các "tổ khám sức khỏe", mỗi tổ sẽ khám từ 30 - 50 người/ngày. Mỗi tổ gồm 1 bác sĩ (nội tổng hợp, đa khoa hoặc bác sĩ gia đình), 1 nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề và các nhân sự hỗ trợ.
Nhân sự tham gia khám sức khỏe phải được tập huấn về cách đánh giá, tầm soát sức khỏe người cao tuổi.
Giải quyết sau khi khám sức khỏe ra sao ?
Đối với nhóm 1: Đơn vị khám sức khỏe cập nhật đầy đủ thông tin sức khỏe vào phần mềm. Tổ chức tư vấn sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi đến trạm y tế để được khám sức khỏe, theo dõi và quản lý các bệnh mạn tính không lây (nếu người cao tuổi có nhu cầu).
Đối với nhóm 2: Tổ chức khám và xét nghiệm đầy đủ theo gói khám sức khỏe.
Đối với nhóm 3: Thực hiện khám và chỉ định các xét nghiệm trong gói khám sức khỏe tùy trường hợp cụ thể.
Đơn vị khám sức khỏe chịu trách nhiệm thông tin kết quả khám sức khỏe của người cao tuổi trong vòng 24 - 48 giờ sau khi khám.
Đối với những trường hợp đồng ý điều trị tại trạm y tế, đơn vị tiếp nhận, quản lý điều trị các bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị tại trạm y tế. Đối với trường hợp không đồng ý điều trị tại trạm y tế thì đơn vị cập nhật thông tin để quản lý, giới thiệu đến các cơ sở khám chữa bệnh khác để điều trị.
Theo yêu cầu, các đơn vị khi khám phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý thì giới thiệu đến bệnh viện xét nghiệm chuyên sâu (nếu đơn vị không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị).
Bình luận (0)