1. Trạm y tế điểm
Bác sĩ trạm y tế kết nối từ xa với bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố nhằm tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại 24 trạm y tế điểm.
Mỗi trạm y tế điểm được ưu tiên cấp ngân sách để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thiết yếu theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Các trạm này đều có hai bác sĩ và được kết nối từ xa với bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố. Ngoài ra còn được trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện hỗ trợ cung ứng thuốc, luân phiên bác sĩ, hỗ trợ cấp cứu người bệnh theo quy trình báo động đỏ.
2. Bệnh viện thành phố hỗ trợ bệnh viện quận, huyện
Bệnh viện thành phố hỗ trợ toàn diện cho các bệnh viện quận, huyện còn gặp khó khan. Cụ thể, Bệnh viện Nhân dân Gia Định hỗ trợ Bệnh viện Q.9, Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ Bệnh viện huyện Cần Giờ, Bệnh viện Q.Thủ Đức hỗ trợ Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện quận 2 hỗ trợ Bệnh viện huyện Nhà Bè.
3. Cấp cứu ngoại viện
Năm 2019, Sở Y tế TP.HCM lần đầu xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu ban đầu ngoài bệnh viện dựa theo tài liệu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Sở cũng đã tổ chức khóa đào tạo cho 40 học viên là các bác sĩ đang trực tiếp tham gia mạng lưới cấp cứu tại 31 trạm vệ tinh. Ban hành khuyến cáo nâng cao năng lực cấp cứu của các bệnh viện và những cơ sở khám, chữa bệnh.
4. Phát triển kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu và “báo động đỏ”
Quy trình báo động đỏ và sự phát triển mạnh mẽ các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu tại các bệnh viện đã cứu sống ngoạn mục nhiều trường hợp nguy kịch trong năm qua.
5. Ứng dụng “Tra cứu nơi khám bệnh”
Với ứng dụng (app) "Tra cứu nơi khám bệnh" trên các thiết bị di động, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp.
Ứng dụng này sẽ cho người dân biết khoảng cách từ nhà đến các phòng khám hay bệnh viện được đánh giá chất lượng tốt, khám trong giờ hay ngoài giờ… Thậm chí có thể tham khảo giá khám dịch vụ, thời gian chờ khám.
6. Khảo sát trải nghiệm của bệnh nhân nằm viện
Từ năm 2019, Sở Y tế TP.HCM chính thức triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh sau thời gian nằm điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Qua kết quả khảo sát, lãnh đạo các bệnh viện sẽ cải tiến chất lượng nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân.
7. Ứng dụng y tế thông minh
Nhiều sản phẩm y tế thông minh đưa vào sử dụng hướng tới phục vụ người bệnh, nhân viên y tế và nhà quản lý. Năm 2019 có 94 sản phẩm tham dự bình chọn và 37 sản phẩm được Sở Y tế giới thiệu nhân rộng. Trong đó 20 sản phẩm xuất sắc đã được trao giải.
8. Đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa và bệnh viện
Từ tháng 6 đến tháng 10.2019, Sở Y tế TP.HCM đánh giá chất lượng 202 phòng khám đa khoa.
Từ tháng 11 đến tháng 12.2019, Sở Y tế TP.HCM đánh giá chất lượng 110 bệnh viện trực thuộc.
Kết quả chất lượng phòng khám đa khoa và bệnh viện được xếp hạng và công bố công khai cho người dân biết để chọn lựa nơi khám uy tín, chất lượng.
9. Kết nối 99,61% nhà thuốc
Sau một năm triển khai, đã có 6.984/7.011 nhà thuốc công lập và tư nhân (tỉ lệ 99,61%) thực hiện kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu dược quốc gia.
Có 91 đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.
10. Thông tin trực tuyến
Sở Y tế đã triển khai hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế TP.HCM, nâng tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đạt trên 90%.
Bình luận (0)