Tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ bảo vệ. Trong 10 năm qua, diện tích sạt lở ra biển hơn 1.000 ha, có đoạn rộng hơn 500 m, nhất là đoạn An Biên - An Minh. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phòng chống, khắc phục sạt lở rất lớn, vượt khả năng của tỉnh.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT H.An Minh, cho biết bờ biển thuộc địa bàn huyện dài 37 km nhưng có hơn 20 km bị sạt lở nặng. Nghiêm trọng nhất là đoạn từ Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây đến vàm Kim Quy, xã Vân Khánh dài khoảng 7 km. Những ngày này, tại vàm Kim Quy, hàng chục hộ dân luôn lo lắng nhà bị sụp đổ, bởi trước đó, vào cuối tháng 6, đã có 2 căn nhà đổ sụp xuống biển, đe dọa một số nhà khác.
Trước tình trạng bờ biển Tây bị sạt lở, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý, trước mắt là những đoạn sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh Kiên Giang tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đê biển An Biên - An Minh; dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020; dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái (An Biên) và đoạn Bình Sơn - Bình Giang (Hòn Đất).
Bình luận (0)