10 năm cho 1 ‘Mùa khát’

10/01/2019 15:44 GMT+7

Buổi tọa đàm và ra mắt cuốn tiểu thuyết Mùa khát của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến diễn ra sáng nay, 10.1, tại Hội Nhà văn Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến chia sẻ, ông đã dành tới 10 năm, từ năm 2008, để viết cuốn tiểu thuyết Mùa khát, tác phẩm mà ông coi là quan trong nhất đời mình. “Tôi đã viết gần 1.000 trang, nhưng sau đó lọc tới gần một nửa vì cảm giác giống như tự truyện về mình. Tôi không muốn coi đây là cuốn tự truyện mà là cuốn truyện của sự sáng tạo, hư cấu”, nhà văn Nguyễn Việt Chiến nói.

“Tôi không có ý định “tiểu thuyết hóa” cuộc đời mình, nhưng số phận lại buộc tôi phải cầm bút, ít nhất là để ghi chép lại và kể lại câu chuyện giàu chất bi tráng mà tôi “bất đắc dĩ” phải là một nhân vật trong cuộc”, nhà văn chia sẻ.

Cuốn tiểu thuyết Mùa khát xoay quanh cuộc đời thăng trầm của một nhà báo, nhà thơ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Vũ Văn, người đã nếm trải nỗi đau tận cùng trong bi kịch của chữ khi anh bị truy bức sau bài báo phanh phui sự thật trong một vụ án tham nhũng lớn gây bức xúc xã hội những năm ấy.

Cùng với mạch truyện này, Mùa khát còn kể câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của hai người lính ở bên này và bên kia chiến tuyến, từng đối mặt là kẻ thù của nhau trong rừng rậm Trường Sơn những năm chiến tranh 1969 - 1971.

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến chia sẻ, với Mùa khát, anh chú trọng việc sắp xếp, thiết kế cấu trúc không gian tiểu thuyết và thời gian tiểu thuyết theo những mạch truyện ngược chiều nhau nhưng cộng hưởng với nhau và cố gắng giữ được vẻ đẹp hài hòa trong cấu trúc tiểu thuyết để người đọc có thể nắm bắt được cốt truyện và những tầng ẩn ngữ của hệ tư tưởng và tư tưởng nhân văn.

GS - TS Trần Đình Sử cho rằng, Mùa khát phản ánh nhiều mặt đời sống hôm nay. Ông nhận thấy chất thơ trong Mùa khát, khi cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng sự “hôi hám” nhưng kết thúc bằng sự “thơm tho”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đánh giá cao Mùa khát ở những trang viết về hiện thực chiến tranh biên giới.

GS - TS La Khắc Hòa nhìn nhận: “Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến không thiếu sự kiện, nhưng chủ yếu vẫn là thông tin trạng thái. Thông tin này được chuyển tải bằng sơ đồ truyện kể lũy tích. Nó là hành trình phủ định sự sống để tìm tới cái chết tái sinh. Phải chăng “khát” một cái chết tái sinh là ý tư tưởng quan trọng nhất mà tôi cảm nhận được từ tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến”.

Còn nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người bạn đã ở bên hành trình viết cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến, cho rằng sau tất cả, Mùa khát cho thấy khát vọng được yêu, được sống, được làm người tử tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.