10 năm tự bỏ tiền túi làm cầu, vá đường không công

29/05/2017 14:02 GMT+7

Ở xứ cù lao Tân Lộc (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), có một “đội quân” chuyên làm cầu, vá đường không công. Đội trưởng là một nông dân mới 31 tuổi nhưng có tới 10 năm hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Bỏ tiền túi vá đường
Tới cù lao Tân Lộc, hỏi đội dặm vá đường của anh Trần Minh Trung ai cũng biết. Đường hư, sụp lún, hay ở đâu còn những cây cầu chật hẹp, nguy cơ xảy ra tai nạn, chỉ cần điện thoại là đội của anh Trung xuất hiện. Để có một đội thi công khoa học như bây giờ, ai cũng thừa nhận công đầu thuộc về anh Trung, người đội trưởng hết lòng vì việc chung.

tin liên quan

Ông Võ xóa cầu khỉ
Nhiều năm qua, dù tuổi cao sức yếu, kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn nhưng cựu chiến binh Mai Văn Võ (71 tuổi, ngụ ấp 1, P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) đã vận động xóa 337 cây cầu khỉ.
Anh Trung kể, anh sinh ra và lớn lên tại xứ cù lao, nơi người dân phải đi lại trên những con đường đầy ổ gà, ổ voi, những cây cầu nhỏ hẹp. Muốn mọi người vơi bớt khó khăn, năm 19 tuổi anh tham gia cùng bắc cầu, làm đường từ thiện ở một số nơi. Có chút kinh nghiệm, năm 21 tuổi anh bắt đầu một mình đi vá các tuyến lộ trên cù lao Tân Lộc.
Từ đó, người dân trên xứ cù lao thường thấy anh Trung đi khảo sát và ghi nhớ những chỗ đường bị hư hỏng, những cây cầu chật hẹp hay xảy ra tai nạn để sau đó tìm giải pháp khắc phục. Lúc đầu, khi biết anh Trung tự bỏ tiền túi, làm không công, nhiều người tỏ vẻ nghi ngại rằng anh làm vì bốc đồng. Nhưng dần dà, thấy anh vẫn âm thầm nhẫn nại làm việc trên khắp các nẻo đường thì họ bắt đầu cảm phục, quý mến rồi nhiệt tình tham gia, ủng hộ.
Anh Trung (bìa phải) cùng thành viên trong đội kiểm tra một đoạn đường để dặm vá
Chung tay làm đẹp quê hương
Cứ thế sau gần 10 năm, đội dặm vá đường, mở rộng cầu của anh Trung lớn dần và hiện có gần 40 người. Người trẻ nhất 15 tuổi, lớn nhất đã 85 tuổi.
Em Huỳnh Minh Thuận (15 tuổi, học sinh lớp 9A3 Trường THCS Tân Lộc) cho biết: “Hôm nào không học là em theo anh Trung đi làm. Nhờ đó mà em vừa được học nhiều kỹ thuật vừa biết sống vì mọi người”. Người lớn tuổi nhất đội, ông Lê Văn Năm (85 tuổi, ngụ KV.Phước Lộc, P.Tân Lộc) chia sẻ: “Hơn 6 năm trước, thấy việc của cháu Trung làm quá hay, mình vẫn còn một chút sức khỏe nên tham gia, với mong muốn góp một phần cho quê hương”.
Người dân cù lao Tân Lộc thấy nhóm tình nguyện của Trung dặm vá đường nhiều năm có hiệu quả, chất lượng nên nhiệt tình hưởng ứng. Người góp công, người góp của để cùng hoàn thiện dần hệ thống giao thông quê hương. Khi có nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm, Trung tự mày mò học hỏi thêm kỹ thuật, mạnh dạn đề xuất với chính quyền cho phép mở rộng hệ thống cầu, đường nông thôn từ 2 - 3 m lên 4 - 5 m. Đến nay, ngoài nhiệm vụ bảo trì thường trực gần 30 km đường trên cù lao, đội của anh Trung đã mở rộng 20 cầu lớn trên trục lộ chính và xây mới 40 cầu nhỏ ở các đường nhánh. Ngoài ra, đội còn dặm vá, mở rộng nhiều tuyến đường và cầu trên địa bàn nhiều huyện tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang…
Hôm chúng tôi đến cù lao Tân Lộc, cũng là lúc đội của anh Trung đang khẩn trương nới rộng cầu Bà Vá thêm hơn 1 m. Hơn 10 người trong đội cùng quyết tâm hoàn thành phần trụ để hôm sau có thể đổ đà nới rộng cầu. Ông Nguyễn Văn Bi, phụ trách kỹ thuật của đội, hồ hởi khoe: “Tôi không nhớ nổi đây là cây cầu thứ bao nhiêu chúng tôi nới rộng, vì quá nhiều”.
Ông Đỗ Trung Ngôn, Phó chủ tịch UBND P.Tân Lộc, cho biết: “Nhờ đội dặm vá mà các tuyến đường trên địa bàn không còn ổ gà, ổ voi. Hầu hết các cây cầu dân sinh đều được đội mở rộng trên 4 m, giúp người dân đi lại dễ dàng, an toàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.