… Và rồi, bỗng dưng tình cờ, tôi giở đúng trang 71 trong tập thơ hơn 200 trang, dung chứa 126 bài thơ của Luyến, lại đúng ngay bài Hẹn nhé mùa thu, anh viết dịp này tháng 8 năm ngoái, ngày 14. Đọc nghe chút ấm áp rợn ngợp, dáng vẻ cô liêu, nhất là khổ cuối: Dễ gì làm ngơ thu về trước cửa/Chút heo may vừa chớm trong hồn/Đêm bất chợt bập bùng ngọn lửa/Ta ước mình dài chắp cánh tay ôm. Thơ Võ Văn Luyến có đôi bài giữ chất kinh điển, nhưng không dễ dãi. Ý thức cách tân thơ của anh không phải "đi hoang" vào cõi bí hiểm, mà khai mở trầm tích. Như lời anh nói khuya ấy, khi cùng tôi đã say với con phố nhỏ Đông Hà lác đác mờ ánh điện sương giăng: "Người làm thơ luôn khao khát, xung động câu thúc bởi cảm xúc đến từ nhiều phía, nhưng có lẽ nên giữ lấy những nguồn mạch bật ra bằng ngôn từ truyền cảm tự thân. Vì chỉ có thế, thơ mới thành thơ!".
Bìa 1 và bìa 4 tập thơ 10 ngón thu
T.T.B
Tôi đồng ý với Luyến, và mạo muội góp thêm: "Tùy ở quan niệm mỗi người khi làm thơ hoặc đến với thơ. Nhưng thơ hay luôn có mẫu số chung tán thưởng từ người đọc. Nếu không, sẽ không công bằng, không phải với người làm thơ, mà không công bằng với thơ". Rồi tôi dẫn một số bài trong tập Mây âm tính (in tháng 8.2022) anh vừa được trao giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, mà tôi có dịp viết bài giới thiệu với bạn đọc trên Báo Thanh Niên, để minh chứng rằng thơ Võ Văn Luyến hay đúng điệu thơ, với tâm trạng khắc khoải của người lính khi về với quê nhà, với bục giảng phấn trắng mấy chục năm, với ngả nghiêng yêu dấu cuộc đời này trong bao đêm mất ngủ. Hoàn toàn không chút thiên vị!
… Trở lại với tập 10 ngón thu, dường như lần này Võ Văn Luyến đau đáu hơn, nhiệt thành hơn và cũng… sâu hơn. Anh "đào xới" vỉa mạch cảm xúc bất tận trong mình về đời lính chiến, về quê hương, về mẹ. Nhưng những ưu tư của một người làm thơ trước cuồn cuộn đời sống xô bồ, ập vào đêm khó ngủ như cơn gió chướng:
Người mẹ nào băng qua hai thế kỷ tìm con
hai thế kỷ đợi chồng
hai thế kỷ nắng mưa cuộc đời không ngừng dội xuống
hai thế kỷ nước mắt thành sông
hai thế kỷ hố mắt đèn chong
lửa tàn cạn bấc
(Gió, cỏ và mật đắng, trang 82-83)
Để ý thấy, bài thơ này Luyến làm vào thời điểm có lẽ xáo trộn mãnh liệt trong lòng, vào đúng những ngày mùa dịch "hành hạ" bao người, là 14.7.2021. Nên chi có mấy dòng khởi đầu nghe vô cùng giông bão: "Gió có ngủ đâu/rú rít như cơn động kinh đêm thêm mỏi mệt/như hồn ai bất chợt ré lên thê thiết/sầu đau khó dứt".
Nhưng, như một tình cờ có lẽ tìm thấy của riêng tôi, đó là đặt cạnh bài thơ trên (trang 80-81), cũng một bài nói về gió, anh viết mươi lăm hôm sau, lúc này lại tĩnh tại lạ thường:
Gió ơi gió ơi
thổi nữa đi
ngày đã sáng
đời đã rạng
hạnh phúc ríu ran những ngôi nhà
đọ với xanh cao
bên chiếc phong cầm thánh thót
đôi lửa mắt ngời
(Gió phố)
Mắt ấy, không chỉ bởi đong đầy giấc ngủ. Hay có lẽ sau bao ngày thấm mệt, anh đã "ngộ" ra chăng?
Có rất nhiều bài, Võ Văn Luyến viết về đời lính, hay hoài niệm ký ức quân ngũ. Tỉ như với bài Tiếng chim trong đêm:
nửa đêm
tiếng chim lọt qua cửa sổ
như đồng đội bá vai nhau nhắc nhở
trước khi vào trận đánh
Hà ơi mày là thằng giỏi bắn
nhớ kèm Thanh diệt hỏa lực địch nghe chưa…
Nhưng rồi cái nửa đêm về sáng ấy, Luyến lại "vọng động" tự tình với một đoạn kết dễ thương, hiền hòa: Tự nhiên tiếng chim dồn dập như ai đang hát/ta bật dậy đón bình minh/mới hay bên em/hạnh phúc vừa lót ổ. Ký ức chiến tranh một thuở, đeo đẳng anh không chỉ với một bài này!
Tập thơ 10 ngón thu của tác giả Võ Văn Luyến được NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 6.2023 gồm 223 trang, 126 bài thơ. Trong đó, ngoài các chủ đề như trong bài viết đã đề cập, để ý thấy hành trình thơ của tác giả trải dài qua nhiều chuyến đi với Gửi Hội An, Huyền hoặc Điện Biên, Cần Thơ, Sông Hậu, Mình ta với Nhật Tân…
Đã in nhiều tác phẩm thơ, nghiên cứu và phê bình nhưng nhiều bạn đọc ấn tượng với những tập thơ của tác giả Võ Văn Luyến, đặc biệt là các tập Trầm hương của gió, Sự trinh bạch của ngọn nến, Người câu bóng mình, Mật ngôn của biển, Mây âm tính. Riêng tập Mây âm tính (in năm 2022) đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022.
Nhưng với tôi, dòng cảm xúc tuôn chảy dạt dào trong thơ Võ Văn Luyến là khi viết về mẹ. Mẹ của mình và những người mẹ của Việt Nam vĩ đại. Đau khổ, hy sinh và hạnh phúc. Ngọt ngào từ tâm rất đỗi bao dung. Tứ thơ ấy cứ kéo tôi đi về phía bầu sữa ngày thơ bé, về gồng gánh nhọc nhằn qua bom rơi đạn nổ, về một thời hòa bình đồng sâu đồng cạn lam lũ chắt chiu… Tất cả, khiến đôi khi đọc mà mắt tự dưng nhòe:
Mẹ già bấm đốt ngón tay
Đếm sau đếm trước đếm ngày đếm đêm
Chiến tranh leo lét lửa đèn
Buồn vui cây lúa gọi tên quê nhà
(Lúa ơi!)
Hay mẹ hiện ra như một hình mẫu chung cho những người phụ nữ một thời, khi "lửa chiến tranh tràn xuống cánh đồng/nương nhờ đất khách/mẹ vẫn chợ sáng chợ chiều":
tuổi thơ tôi chưa từng nghe mẹ khóc
chỉ thấy mồ hôi và chiếc áo bạc màu
gặp chuyện buồn
nước mắt lặn vào trong…
… tôi ăn lộc cuộc đời
thương mẹ đêm dài không ngủ
xa bùn đất xa chiếu chăn con trẻ
mắt rưng rưng nhớ "bên ướt mẹ nằm"
(Bên ướt mẹ nằm, trang 121-122)
Rồi khi hòa bình đến: "bầu trời thì xanh đám mây thì trắng/ta vô tư đi giữa reo mừng/câu thơ nổ pháo hoa chiến thắng/dưới mái tình mắt mẹ rưng rưng" (Hòa bình, trang 69-70).
Thật không kể hết niềm đau và hạnh phúc chung chiêng xen lẫn vào nhau trong thơ Luyến. Tôi chỉ tự trách mình không thể nói hết, bởi đôi khi anh cho ra đời tập thơ nào, tôi lại đọc với tâm thế xốn xang, đọc với tâm thế bừng nở hy vọng. Mới hay, trái đất đi qua mỗi mùa của sự ấn định thiên nhiên, nhà thơ có lẽ là người rung cảm nhặt lấy trước, chạm vào 10 ngón thu ấy, như lời anh nói: "Mười ngón thu, là 10 ngón tay đan cộng lại, đã qua 126 mùa tuổi của mình và vợ, cũng là dụng ý khi in 126 bài trong tập thơ này". Đó cũng là "mười ngón ngắn dài/nhấp nhô ảo ảnh" khi anh mỉm cười nâng ly cụng cùng tôi giữa đêm Đông Hà nghiêng về giấc đã say:
mười ngón thức giấc
đêm trắng
đèn cao áp tăng đột ngột công suất
không thiêu hết nước mắt…
… cái nồi đất tuổi thơ đi không trở lại
cái quần trổ mắt người lớn lộn trái
sinh thành niềm vui trẻ con
ngọn đèn dầu bốn mươi năm mang theo bồn chồn
truyền ngọn lửa vào tình yêu nóng bỏng
ta tuổi già mãi còn lóng ngóng
nhuộm lại những tàn phai…
Và đêm ấy cùng Luyến trên đường về, tôi bỗng nhận ra nụ cười ý nhị của anh, như ngày nào cùng ngồi chung giảng đường đại học, vẫn chưa phai!
Sài Gòn tháng 8.2023
Bình luận (0)