10 nhóm hacker 'khét tiếng' thế giới

31/07/2016 14:39 GMT+7

Trong thời đại công nghệ phát triển, hoạt động tin tặc cũng phát triển theo. Một số tin tặc liên kết với nhau để lập ra các nhóm hacker với những mục đích tốt xấu khác nhau.

Anonymous
Nhắc đến hoạt động tin tặc, người ta nghĩ ngay đến Anonymous (Vô danh). Tổ chức này có lực lượng khắp nơi trên thế giới và rất khó để truy dấu hoạt động vì mối liên kết lỏng lẻo và tính vô danh giữa các thành viên. Nổi lên từ trang 4Chan, cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh và bình luận, Anonymous bắt đầu nổi tiếng từ năm 2008 khi tuyên bố về “đường lối” của nhóm rằng “sự hiểu biết là miễn phí, chúng tôi là vô danh và chúng tôi là quân đoàn”.
Anonymous sau đó tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào website của Nhà thờ Khoa luận giáo (Mỹ), Lầu Năm Góc, các công ty thanh toán qua mạng như Visa, Paypal, Master Card. Anonymous còn đánh sập các website của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều người đã bị bắt tại các nước như Hà Lan, Mỹ, Anh, Úc, Tây ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ vì liên quan đến Anonymous.
Cách thức ''đánh'' chủ yếu của Anonymous là tấn công từ chối dịch vụ DDoS, gây quá tải hệ thống, máy tính hoặc trang web bằng cách nạp hàng loạt yêu cầu thông tin mà hệ thống đó không thể đáp ứng. Thông thường, hệ thống sẽ ngưng hoạt động cho đến khi có chuyên gia khắc phục hoặc Anonymous ngừng tấn công, theo trang Makeuseof.
Lizard Squad
Nhóm tin tặc này từng tấn công mạng trang web của hãng hàng không Malaysia Airlines (Malaysia) khiến người truy cập bị chuyển hướng đến một trang khác có hiển thị thông điệp châm biếm “404 - plane not found” (404 - không tìm thấy máy bay). Malaysia Airlines nói rằng trang web của hãng không bị tin tặc tấn công mà chỉ tạm thời chuyển hướng đến một nơi nào đó. Nhóm này cũng tấn công DDoS làm sập Facebook dù mạng xã hội này bác bỏ thông tin trên, theo trang tin Hacked.com.
Tháng 8.2014, Lizard Squad (Biệt đội thằn lằn) tấn công hệ thống của Microsoft và Sony, đăng cờ IS lên trên trang của Sony. Nhóm này còn đánh sập hệ thống mạng chơi game online của 2 trò chơi điện tử nổi tiếng là PlayStation và Xbox vào năm 2014. Sau vụ này, một số thành viên của nhóm bị chính quyền Mỹ và Anh bắt giữ.
Lulzsec
Lulzsec là viết tắt của Lulz Security. Nhóm này tách ra khỏi Anonymous sau vụ tấn công mạng công ty bảo mật HBGarry Hack vào năm 2011. Tên tuổi của Lulzsec được thế giới nhắc đến sau vụ tấn công hãng Sony Pictures và Fox. Nhóm này cũng từng đánh sập trang web của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Ngày 18.7.2011, Lulzsec tấn công tập đoàn truyền thông News Corporation và tung tin giả rằng ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã chết. Tháng 3.2012, lãnh đạo của nhóm là Hector Monsegur (mật danh là Sabu, cựu thành viên của Anonymous) bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Người này khai ra các thành viên còn lại của nhóm.
Nhóm tin tặc Lizard Squad tấn công trang web của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 1.2015  Reuters
Syrian Electronic Army (SEA)
Đội quân điện tử Syria là nhóm tin tặc có mục đích hoạt động chặt chẽ, nhằm chống lại các nhóm đối lập ở Syria. SEA được cho là ủng hộ tích cực của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Nhóm này thường đăng hình cờ Syria lên trang web mà họ tấn công và thường sử dụng các hình thức tấn công giả mạo, DDoS, gửi thư rác, cài phần mềm độc hại.
SEA từng tấn công các tài khoản Twitter và Facebook của những người có quyền lực như Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Nhóm này cũng từng tấn công các hãng truyền thông phương Tây như The New York Times, CBC, The Washington Post… vì đăng tin chống lại Syria. Hãng tin AP từng bị SEA tấn công và đăng tin giả mạo rằng có 2 vụ nổ xảy ra ở Nhà Trắng và Tổng thống Obama bị thương vào tháng 4.2013.
Các sinh viên đại học (được cho là có liên quan đến tổ chức vũ trang Hồi giáo Hezbollah) là những người đứng sau những vụ tấn công này, và họ khiến các hãng an ninh mạng phải nể phục. Bộ phận dự báo thời tiết thuộc BBC cũng bị tấn công vào năm 2013, và đăng tải rằng: “Đài khí tượng Ả Rập Xê Út đã bị đánh sập vì đâm đầu vào một con lạc đà”.
Chaos Computer Club (CCC)
Đây là nhóm hacker mũ trắng (có mục đích tốt), được thành lập tại thủ đô Berlin (Đức) vào năm 1981. CCC là một trong những nhóm hacker lớn nhất châu Âu. Hoạt động của nhóm này là tìm ra các lỗ hổng an ninh của các hệ thống thuộc chính phủ và phi chính phủ. Động cơ hoạt động của nhóm là chính trị, gồm tự do thông tin, tự do truyền thông và minh bạch trong chính phủ, theo tạp chí Inverse.
CCC từng đánh cắp 134.000 đồng mác Đức từ một ngân hàng ở Hamburg bằng trang Bildschirmtext, sau đó trả lại toàn bộ số tiền, mục đích nhằm chỉ ra lỗ hổng an ninh của trang web ngân hàng này. Tuy nhiên, CCC bị buộc tội bán các mã nguồn của hệ thống máy tính các tập đoàn và chính phủ Mỹ cho cơ quan tình báo KGB của Nga.
Tarh Andishan
Đây là nhóm tin tặc gồm khoảng 20 thành viên tài năng và điêu luyện của Iran. Nhóm này được cho có căn cứ ở thủ đô Tehran, được thành lập sau khi Iran bị tấn công bằng virus sâu máy tính Stuxnet (Mỹ và Israel bị nghi là tạo ra sâu máy tính này nhằm phá hủy các máy ly tâm hạt nhân của Iran).
Nhóm Tarh Andishan được cho là có tham vọng kiểm soát toàn bộ hệ thống nền tảng trang web của thế giới. Cuộc tấn công nổi tiếng nhất của nhóm này gọi là Chiến dịch Dao phay, đã tấn công hơn 50 cơ quan tại hơn 16 nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel…nhắm vào hoạt động của các căn cứ quân sự, cơ quan năng lượng, dầu khí, hàng không, vận tải và bệnh viện.
Lãnh đạo nhóm tin tặc Network Crack Program Hacker Group được cho là làm việc cho quân đội Trung Quốc Reuters
Network Crack Program Hacker Group
Nhóm tin tặc này được thành lập tại Trung Quốc vào năm 1994, có căn cứ tại thị trấn Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Lãnh đạo Tan Dailin (biệt danh Wicked Rose) của nhóm này được cho là làm việc cho quân đội Trung Quốc.
Theo một tài liệu về thách thức an ninh mạng của Mỹ do Nhà Trắng công bố năm 2009, Wicked Rose được quân đội Trung Quốc đào tạo sau đó lập ra nhóm NCPH ở lứa tuổi học sinh trung học. Nhóm này sau đó kiếm được nguồn tài trợ và tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các trang web ở Mỹ. Năm 2006, nhóm tin tặc Trung Quốc này tạo ra phần mềm độc hại để tấn công vào các hệ thống máy tính của các cơ quan chính phủ Mỹ qua các lỗ hổng an ninh của phần mềm Microsoft Office. Nhóm này được cho là đã lấy được hàng triệu tài liệu, nhưng ở mức không tối mật, của chính quyền Mỹ cho Trung Quốc.
GlobalHell
Nhóm này được Patrick Gregory, một tên tội phạm đường phố ở Houston, bang Texas (Mỹ) thành lập. GlobalHell được cho đã phá hủy dữ liệu của 115 trang web, gây thiệt hại hàng triệu đô la. Nhóm này từng viết trên trang web của Lục quân Mỹ rằng “global hell sẽ không chết”. Nạn nhân của GlobalHell còn có các trang web của Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ.
Gregory, người tìm đến máy tính để quên đi cuộc sống đường phố, đã tạo ra một băng nhóm khác trên mạng với 60 thành viên, ra tay tàn phá trên mạng như cách họ hành xử trên đường phố. Gregory sau đó nhận tội trước tòa án với cáo buộc đã gây thiệt hại 2,5 triệu USD do các hoạt động tấn công mạng.

tin liên quan

Báo Trung Quốc ca ngợi tin tặc tấn công Mỹ
Tin tặc, gián điệp mạng nhắm vào nước Mỹ cũng là công tác đáng được hoan nghênh, tờ Hoàn Cầu Thời báo nói như thế khi đề cập đến một người đàn ông bị bắt và nhận tội tấn công mạng nhà thầu quốc phòng Mỹ.
The Level Seven Crew
Đây là một trong những nhóm tin tặc nổi tiếng nhất, liên quan đến một số vụ tấn công mạng lớn vào năm 1999 nhưng đã ngưng hoạt động vào năm 2000. Các nạn nhân của nhóm này gồm mạng máy tính của ngân hàng First American, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), chuỗi khách sạn Sheraton và trang web đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc.
TeamPoison
Nhóm này hình thành vào năm 2010 do một tin tặc 16 tuổi có mật danh là Trick lập ra. TeamPoison tấn công vào trang web của NATO, Facebook, trang tin Daily Mail và tài khoản email của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Nhóm bị giải tán vào năm 2012 nhưng đến năm 2015, TeamPoison khôi phục hoạt động và tự nhận là nhóm nghiên cứu an ninh mạng máy tính mũ trắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.