Ngày 20.8, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn (đều 30 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng) 7 năm 6 tháng tù về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, và “sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Cũng với 2 tội danh trên, 8 bị cáo: Bùi Nguyễn Ngọc Hân, Võ Thị Hiệp, Hàng Phước Can, Lê Sỹ Min, Lê Thị Kim Chi, Trần Thị Nga, Trịnh Thị Phượng, Văn Thị Hoàng Oanh là sinh viên cao đẳng, trung cấp cùng lãnh án 2 - 3 năm tù, với vai trò đồng phạm.
Đối với 2 đối tượng tên Tài (được cho là bán các con dấu giả cho Minh), chưa rõ lai lịch và Trần Xinh (đi cùng Tài) đã rời nơi cư trú nên điều tra, xử lý sau.
HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm để đẩy lùi việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Chỉ vì để “xét tốt nghiệp”?
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn là bạn cùng lớp chuyên ngành quản lý - cung ứng thuốc, khoa Dược, hệ đào tạo liên thông Trường đại học quốc tế Hồng Bàng.
Theo quyết định số 18/2017/QĐ-TTg quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học thì hồ sơ dự thi liên thông khối ngành sức khỏe của thí sinh phải có bản sao chứng chỉ hành nghề dược (CCHND).
Do cần CCHND để xét tốt nghiệp, bị cáo Minh và Sơn tự làm giả giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khỏe bổ sung hồ sơ đề nghị cấp CCHND.
Cụ thể, 2 cựu sinh viên đặt mua qua mạng xã hội 1 con dấu tròn giả của Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, 1 con dấu chức danh và 1 con dấu chữ ký của giám đốc bệnh viện, cùng nhiều con dấu vuông khác của đối tượng Tài (chưa rõ lai lịch) và Trần Xinh, giá 3 triệu đồng.
Sau đó, hai bị cáo lên mạng tải về mẫu giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khoẻ, rồi điền thông tin cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Y tế TP.HCM, sau khoảng 3 tuần thì được cấp CCHND.
Với cách thức đó, từ tháng 7 - 10.2022, cựu sinh viên Minh và Sơn đã làm giả giấy tờ, hoàn chỉnh 8 bộ hồ sơ cho 8 bị cáo trong vụ án này đề nghị cấp CCHND, thu lợi 4,5 - 7 triệu đồng/hồ sơ, riêng Oanh là người quen nên không lấy tiền.
Sau vài tuần, 3 bị cáo Min, Hân, Chi được cấp CCHND còn 5 bị cáo Can, Hiệp, Nga, Oanh, Phượng được Sở Y tế TP.HCM gửi thông báo cần kiểm chứng, xác minh thông tin.
Ngày 24 và 29.9.2022, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM xác minh giấy xác nhận thực hành, giấy khám sức khỏe của 3 bị cáo Can, Hiệp, Nga. Phát hiện có dấu hiệu giả mạo, bệnh viện chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để làm rõ.
Kết quả xác minh cho thấy, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM không tiếp nhận 10 cá nhân nói trên thực hành chuyên môn, không cấp giấy xác nhận thực hành và giấy khám sức khỏe.
Sau khi nhận kiến nghị của Cơ quan CSĐT TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quyết định thu hồi CCHND đã cấp cho 5 bị cáo Minh, Sơn, Min, Hân, Chi.
Giả mạo chứng chỉ liên quan đến tính mạng con người
Tại Cơ quan CSĐT và tòa, các bị cáo Minh và Sơn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên.
Bị cáo Minh và Sơn đều khai nhận đã thu gần 38 triệu đồng, trả lại 13 triệu đồng cho bị cáo Can, Hiệp, Phượng, còn 25 triệu đồng chia đôi tiêu xài cá nhân hết.
Sau đó, tại phần xét hỏi, 8 bị cáo còn lại đều khai nhận thực tế có làm việc tại các cơ sở chuyên môn về dược nhưng chưa được cơ sở chuyên môn cấp giấy xác nhận thực hành và không đi khám sức khỏe nên đưa tiền cho Minh và Sơn làm hồ sơ.
Bào chữa cho 2 bị cáo Minh và Sơn, luật sư đồng tình với Viện KSND TP.HCM về 2 tội danh nhưng đề nghị HĐXX các bị cáo phạm tội với tâm lý muốn tốt nghiệp đúng hạn nên sinh ý định làm giả CCHND, không có ý thức vụ lợi.
Theo Viện kiểm sát, nguyên tắc giáo dục, phòng ngừa được đặt lên hàng đầu nên trong quá trình xử lý và truy cứu đã có sự cân nhắc khi chứng kiến giọt nước mắt hối hận của các bị cáo đang ở độ tuổi sinh viên.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát lập luận, trước khi các bị cáo nhập học, trường đã thông báo quy định chung về điều kiện xét tốt nghiệp, các bị cáo hoàn toàn có thời gian chuẩn bị.
Về hậu quả, Viện kiểm sát cho rằng, nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời, các bị cáo đến các nhà thuốc làm việc có thể gây hậu quả lớn. Các bị cáo cần ý thức được việc làm giả và sử dụng CCHND có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các loại giấy tờ giả mạo khác vì liên quan đến tính mạng con người.
Nói lời sau cùng, các bị cáo bật khóc, gửi lời xin lỗi gia đình vì được lo cho đi học, đến tuổi sắp đi làm thì phạm tội, để lại gánh nặng kinh tế và tinh thần cho gia đình.
Bình luận (0)