Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Khoa học - Công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam như: Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT.
100 người Việt trẻ tham dự sự kiện là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics... Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng…).
Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động; được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước.
|
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cùng với các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ tại đây... Đại diện nhiều tập đoàn lớn về công nghệ thông tin, viễn thông cũng giới thiệu về những công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mà các tập đoàn đang nghiên cứu phát triển, cũng như những đề xuất trong hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học.
Ông Trương Gia Bình Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, chia sẻ về những bài toán lớn trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, tài chính, ngân hàng…. Đồng thời, ông Bình bày tỏ mong muốn 100 nhân tài tham gia cùng FPT đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán này.
Các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nền giáo dục của Việt Nam còn nhiều hạn chế như chưa hội nhập với quốc tế; đào tạo nặng về hàn lâm nên thiếu kỹ sư thực hành... Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ là rào cản lớn nhất hiện nay. Một số chuyên gia cũng đã đặt hàng các tập đoàn nghiên cứu và sản xuất các phần mềm ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục...
"Tôi làm nhiều dự án trong nông nghiệp tại Úc, nhưng kết nối internet trên cánh đồng là những điểm yếu mà nước Úc đang gặp phải, nên tôi muốn đặt hàng ở Việt Nam. Nếu chúng ta làm bây giờ sẽ kịp. Tôi đặt hàng để tạo ra sản phẩm cho Việt Nam", ông Nguyễn Kỳ Tài, chuyên gia đang làm việc tại Úc, chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, sau cuộc làm việc này sẽ thành lập các nhóm phụ trách các vấn đề, kết nối với nhau, nhằm giúp Việt Nam trong việc hoạch định chính sách để thực hiện chiến lược quốc gia trong cuộc cách mạng 4.0.
Cuộc làm việc nêu trên nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (Vietnam Innovation Network 2018) do Bộ Kế hoạch - Đầu tư khởi xướng và chủ trì, diễn ra từ 18 - 24.8 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”.
Mục đích của chương trình nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư hy vọng Chương trình Vietnam Innovation Network lần đầu tiên được tổ chức sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng, tạo liên kết mới trong giới tinh hoa, khoa học công nghệ người Việt khắp năm châu.
|
Bình luận