Là một làng nghề thủ công chuyên ngành may mặc, không mấy ai biết nơi đây là nguồn cung cấp hàng hóa chính của các chợ đầu mối thời trang như Đồng Xuân, Ninh Hiệp. Để rồi từ đó, hàng ngàn bộ quần áo tỏa đi các địa phương mỗi ngày. Thời thịnh vượng, phố hàng Bồ -nơi bán phụ kiện nổi tiếng của Hà Nội đã nhiều hộ về đây… đặt cơ sở để cung cấp hàng hóa phục vụ cho bà con Cổ Nhuế.
Ngay trong những ngày dịch Covid hoành hành, các hộ dân trong làng vẫn đều đặn “đạp máy” trả hàng, phục vụ thị trường nội địa. Thậm chí, hàng hóa còn “xôm” hơn do nguồn hàng từ ngoài vào ít hơn.
Kiên trì giữ nghề dù nhiều khó khăn
Là làng nghề ngót trăm năm tuổi nhưng tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của thủ đô dường như đang khép chặt ngôi làng này lại mỗi ngày. Bởi sự gia tăng đến chóng mặt của những người dân ngụ cư. Từ khắp các vùng miền, họ về đây tạm trú, sinh sống và buôn bán. Đường xá không còn rộng rãi như xưa mà nhan nhản mọc lên các cửa hàng buôn bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống. Điều đó khiến việc đi lại, vận chuyển hàng từ xưởng sản xuất ra thị trường của các hộ chật vật hơn nhiều. Không chỉ thế, đặc thù của nghề may là diện tích, mặt bằng nhà xưởng, Với sự phát triển ngày càng mạnh của các hộ nghề do nguồn cung từ thị trường lớn, uy tín làng nghề ngày càng lên kéo theo đơn hàng ngày càng nhiều, hoạt động sản xuất gia tăng cũng đòi hỏi số lượng thiết bị, máy móc lớn và đầy đủ ( từ may đến thêu thùa, in dập) khiến cho không gian sản xuất của mỗi gia đình ngày một trở nên chật chội.
Thực tế, thiết bị, máy móc ngành may rất cồng kềnh, ba chiếc máy khâu là hết một gian phòng hai chục mét, một chiếc máy in, dập có thể chiếm cả gian nhà, không kể những kho hàng hóa đựng hàng thành phẩm, dự trữ vải, phụ kiện. Với những hộ sản xuất quy mô vừa trở lên vẫn phải thuê thêm kho xưởng chỗ khác mới phục vụ đủ năng lực sản xuất. Anh Chu Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội nghề may làng Cổ Nhuế cho biết: Hiện cả làng có ngót 300 hộ chuyên làm nghề với quy mô từ nhỏ tầm 20 máy may tới vừa và lớn lên đến hàng trăm máy may trong nhà. Lượng hàng xuất đi mỗi ngày có hộ lên đến cả ngàn chiếc. Thế nhưng vì đặc thù là nghề truyền thống từ đời cha truyền đến đời con nối nên mọi hoạt động sản xuất đều vẻn vẹn diễn ra trong khuôn viên của gia đình. Cổ Nhuế là làng cổ lâu đời, các hộ dân hiện nay ít thì 5- - 100m2, nhiều lên đến cả vài trăm mét vuông nhưng cũng không ăn thua so với đặc thù, nhu cầu sản xuất. Chật hẹp về mặt bằng là điều khó tránh khỏi. Từ nhiều năm nay, Hội nghề may chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với xã, huyện ( nay là phường, quận) cho phép xây dựng điểm công nghiệp làng nghề không chỉ để hoạt động sản xuất được tốt hơn, đảm bảo các tiêu chuẩn về không gian, môi trường hơn mà còn để duy trì nguồn thu nhập, mức sống cho bà con được tốt hơn. Có đến nửa số hộ trong làng của chúng tôi là sống 100% bằng nghề may gia truyền này.
Sống được bằng nghề, sống tốt với nghề, nên dân làng rất chăm chỉ và chí thú làm ăn. Chị Hoa, một hộ sản xuất ở làng cho biết: thanh niên làng chúng tôi phải lao động từ bé. Nhà có nghề, có việc, không như làng khác, học xong thì được đi chơi mà chúng tôi phải về phụ giúp cha mẹ, từ việc nhặt chỉ, đóng hàng đến việc máy may, thêu thùa, đính cúc. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức lực. Tiếng là giữa đất thành phố, thủ đô thật nhưng cái chất chăm chỉ lao động, chân chất quê nghề ngấm vào máu rồi. Chơi không quen. Từ 13,15 tuổi, là đã biết đạp máy may quần áo. Học nghề từ chính cha mẹ, anh chị em trong gia đình, không qua trường lớp nào cả. Người nọ nối tiếp người kia. Dâu con làng khác về làng này cũng được cầm tay chỉ việc từng ngày, từ lúc chưa biết gì đến lúc thành thợ làm nghề chính hiệu. Hiện nay, nhiều công ty may mặc, thời trang có chuỗi phân phối trên cả nước, thương hiệu riêng vẫn về đây đặt hàng, thuê chúng tôi làm gia công sản phẩm và thậm chí là các công ty may tầm vóc kha khá cũng về đây thuê máy móc, thiết bị do có một số máy móc thiết bị quá đắt tiền, hiếm, không phải công ty nào cũng sắm được.
Theo chân những mối nhập thời trang về Cổ Nhuế mới thấy sự thịnh vượng của ngôi làng trăm năm tuổi. San sát là những ngôi nhà bê tông cao tầng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Bước vào từng hộ dân, cơ sở sản xuất là ăm ắp máy móc, thiết bị. Hàng hóa, sản phẩm chất đống từ tầng trệt lên lầu cao. Ngay giữa những ngày của thế kỷ 21 hiện đại, nhiều thanh niên mới lớn, tưởng chỉ quen công nghệ, hưởng thụ ngồi cần mẫn là áo, quần, đóng gói nilon, bọc đồ phụ giúp cha mẹ. Thế mới biết, sức sống của một nghề nằm ở quyết tâm của người làm nghề, sức sống của một ngôi làng nằm ở sự dư đầy mà thu nhập của nghề mang cho ngôi làng đó. Qua cả trăm năm, qua bao binh biến, đổi thay cả về cơ địa chính trị, xã hội thì người dân làng Cổ Nhuế vẫn bền bỉ với nghề may truyền thống của cha ông.
Ước mong giữ vững thị trường nội địa
Bắt nhịp thị trường, nhiều hộ may của Cổ Nhuế đã… thành công ty, có cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở chợ đầu mối Đồng Xuân hoặc đại lý trên cả nước. Chia sẻ với phóng viên Thời Trang Trẻ, chị Hoa, hộ sản xuất tại Cổ Nhuế cho biết: nguồn cầu từ thị trường nội địa là rất lớn. Chỉ riêng đồ thời trang ở nhà chúng tôi đã sản xuất cũng không xuể. Những bộ lanh dài, cộc ở nhà có hộ làm cả hàng ngàn chiếc mỗi ngày. Chưa kể các đồ thời trang công sở như sơ mi, quần tây, áo cánh, áo kiểu. Cứ có đơn là làm. Làng chúng tôi phần nhiều do bận rộn hàng hóa mà cũng không có đủ thời gian bắt kịp công nghệ như nhiều làng khác. Các đơn hàng, mỗi hàng hầu hết tìm đến theo kênh truyền thống đó là từ các chợ đầu mối và bạn hàng thân quen. Kể cả những đơn từ nước ngoài như Nga, Đức, Tiệp, Ba Lan, hàn Quốc. Điểm ưu việt của làng chúng tôi là đường kim mũi chỉ sắc nét, kỹ thuật cao, chuẩn chỉ. Tay nghề thợ may Cổ Nhuế thì khỏi nói rồi… Chị Hoa tự hào.
Hiện, nghề may Cổ Nhuế, ước tính giải quyết việc làm, đảm bảo ( thậm chí là nâng cao thu nhập đều đặn) cho hàng vạn người dân, gồm cả những người dân của làng lẫn các đơn vị, đối tác của các hộ, trải khắp từ Cổ Nhuế sang các làng bên cạnh, tới tận Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa vui vẻ điện thoại cho một mối xưởng của chị ở Thái Bình, mở loa ngoài khoe: Em ơi, em nói cho chị phóng viên biết hiện em có bao nhiêu thợ đi. Đầu dây bên kia khoe lớn: Em có 20 thợ thường xuyên, nuôi cả trăm triệu tiền công, còn thợ thời vụ lên đến 50 người chị ạ. Tắt máy, chị Hoa kể tiếp: Chị có hàng chục đầu mối như này, chị em thân nhau cả vài chục năm rồi, vui lắm em ạ…
Theo thống kê không chính thức của những người đứng đầu Hội nghề may Cổ Nhuế, những năm gần đây, doanh thu của làng lên đến vài trăm tỷ đồng, đó là yếu tố khiến cái làng này, bao nhiêu năm vẫn nức danh thịnh vượng tại cái đất thủ đô vốn cũng rất giàu có này…
Không ước mơ xa xôi, chỉ mong có đủ đất mở khu công nghiệp làng nghề, được giữ vững không gian sản xuất truyền thống để làm nghề phục vụ nhu cầu may mặc, thời trang của bà con nội địa, đó là sự giản dị và chân chất của những người làm nghề may tại Cổ Nhuế.