Tuy nhiên, Tây Ban Nha sẽ công bố con số cụ thể sau khi 2 hãng kiểm toán Roland Berger (Đức) và Oliver Wyman (Mỹ) trình kết quả về các ngân hàng nước này vào ngày 21.6.
Tại cuộc họp trực tuyến hôm qua, bộ trưởng tài chính các nước eurozone thống nhất sẵn sàng hỗ trợ Tây Ban Nha với mức tối đa là 100 tỉ euro. Các điều kiện cho vay sẽ áp đặt trực tiếp lên các ngân hàng Tây Ban Nha đang gặp khó khăn cần được trợ vốn.
Hầu hết các nước eurozone đều vui mừng vì thuyết phục được Tây Ban Nha chính thức tuyên bố cần sự trợ giúp từ khu vực. Nước này sẽ tiếp bước Hy Lạp (đã vay 240 tỉ euro), Ireland (85 tỉ euro) và Bồ Đào Nha (78 tỉ euro) nhận hỗ trợ tài chính. Ngược lại, Madrid đã ở vào thế “chẳng đặng đừng” mới đưa ra quyết định nói trên khi lâu nay vẫn khăng khăng là có thể tự lực vượt qua khó khăn. Lý do là chính phủ lo ngại dân chúng sẽ phản đối các điều kiện cắt giảm ngân sách hà khắc đi kèm với tiền cứu trợ như đối với Hy Lạp hay Ireland.
Tuy nhiên, cuối cùng thì Madrid không còn lựa chọn nào khác, đặc biệt với hàng loạt tin xấu gần đây: bị hãng đánh giá tín nhiệm Fitch hạ điểm; tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25%; nợ xấu trong các đầu tư bất động sản khoảng 180 tỉ euro… Dù Thủ tướng Mariano Rajoy ngày 10.6 nói cứng rằng đây mới là “cứu trợ ngân hàng” chứ không phải “cứu trợ nhà nước” nhưng giới truyền thông vẫn phản ứng mạnh. Tờ El Mundo bình luận: “Bề ngoài là thế, nhưng nhóm eurozone vẫn đòi chúng ta phải tiếp tục cải cách. Sau cùng thì đây chỉ là bước tiếp theo của việc chúng ta ngày càng để mất chủ quyền về chính sách tài chính, kinh tế”.
Lan Chi
>> Tây Ban Nha sẽ được viện trợ 100 tỉ euro
>> Biểu tình rầm rộ ở Tây Ban Nha
>> Những lãnh đạo "về vườn" vì khủng hoảng nợ công
Bình luận (0)