Dự án cũ chưa xong, lại thêm "siêu" dự án mới
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (BQL) vừa gửi UBND TP.HCM tờ trình đề xuất đầu tư Dự án quản lý rủi ro ngập lụt ở TP.Thủ Đức. Theo tờ trình, dự án có 3 hợp phần chính, tổng mức đầu tư hơn 430 triệu USD (tương đương hơn 9.900 tỉ đồng). Trong đó, hợp phần một có kinh phí đầu tư lớn nhất, khoảng 200 triệu USD, với mục tiêu bảo vệ vùng lõi Gò Dưa ở Thủ Đức khỏi ngập úng. Hợp phần trên bao gồm nhiều hạng mục được đầu tư như cải tạo, xây dựng đê bao, cống, trạm bơm, hệ thống thoát nước mưa và tích trữ nước thông qua các hồ điều tiết. Ngoài ra, hệ thống thông tin rủi ro lũ lụt sẽ được thiết lập, tích hợp với các nền tảng công nghệ của TP.HCM nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành trên địa bàn.
Hợp phần thứ hai tập trung vào cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho khu vực lõi Gò Dưa, kinh phí đầu tư ước tính 150 triệu USD. Nhiều hạng mục lớn sẽ được triển khai, bao gồm xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải cho lưu vực dự án. Các hệ thống này sẽ kết nối những công trình đã xây trước đây nhằm hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước cho khu vực. Đồng thời, hợp phần này bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất dự kiến 130.000 m3 mỗi ngày đêm. Hợp phần còn lại ước tính kinh phí khoảng 80 triệu USD, tập trung vào các phần việc hỗ trợ triển khai dự án như giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý cùng các loại thuế.
Đơn vị đề xuất đánh giá toàn bộ công trình sau khi hoàn thành sẽ giảm nguy cơ ngập úng trong khu lõi đô thị ở TP.Thủ Đức, đồng thời góp phần cải thiện môi trường, mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 360.000 người đang sinh sống tại khu Gò Dưa hiện hữu cùng 1,5 triệu người khác trên địa bàn Thủ Đức.
Trong tổng kinh phí thực hiện, BQL đề xuất vay Ngân hàng Thế giới 350 triệu USD (khoảng 8.085 tỉ đồng) để đầu tư các hạng mục thuộc hợp phần một và hai, còn lại sử dụng vốn đối ứng trong nước. Khi được thông qua và hoàn tất công tác chuẩn bị, dự án được lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2026 - 2030.
Các dự án chống ngập triệu USD không phải điều gì quá bất ngờ đối với TP.HCM. Tuy nhiên, khu vực phía đông gồm TP.Thủ Đức và một phần H.Củ Chi là nơi cao nhất TP với độ cao từ 20 - 30 m (so với cao độ chuẩn quốc gia), gấp 6 - 10 lần độ cao khu vực nội thành, có nhiều tuyến đường vừa mới được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang nhưng lại nhanh chóng vào danh sách "điểm đen" ngập nước, "ngốn" hàng ngàn tỉ chống ngập. Chưa kể, thời gian qua có rất nhiều dự án chống ngập cho TP.Thủ Đức được đề xuất nhưng lại triển khai dang dở, ì ạch.
Đơn cử, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân dài gần 2,5 km được duyệt từ năm 2017 nhưng mãi đến giữa tháng 10.2020 mới có thể khởi công với tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng. Công trình dự kiến thi công trong vòng 17 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong thời gian thi công, tiến độ công trình không chỉ ì ạch mà còn bê bối, người dân phản ánh liên tục. Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã có tới 15 biên bản nhắc nhở, 8 lần ra công văn xử phạt trước khi nhà thầu chính thức bị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức (chủ đầu tư) chấm dứt hợp đồng từ ngày 24.10.2023. Hiện gói thầu này đã tìm được nhà thầu mới, có thời hạn triển khai hoàn thành theo hợp đồng là 270 ngày. Chưa biết tiến độ thi công mới ra sao, hiệu quả thế nào, chỉ biết trước mắt đường Võ Văn Ngân ngày càng ngập nặng và còn tăng ùn tắc, tai nạn do một số đoạn thi công mặt đường hư hỏng, xuống cấp.
Tương tự, các dự án lớn như bờ tả sông Sài Gòn, vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 với mục tiêu xóa ngập cho "khu nhà giàu" Thảo Điền (TP.Thủ Đức) đã triển khai suốt nhiều năm qua chưa thể về đích. Việc nâng cấp hệ thống cống các tuyến Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương cũng đã "chuẩn bị thi công" từ năm 2020 đến nay nhưng vẫn nguyên hiện trạng.
Đáng chú ý, từ cách đây 10 năm, giải pháp xây hồ điều tiết cũng đã được nhiều chuyên gia chống ngập đặt ra với nhận định là "thuốc chữa ngập" hiệu quả, được UBND TP.HCM ủng hộ, thúc đẩy triển khai. Trong đó, hồ có quy mô lớn nhất là hồ Gò Dưa (TP.Thủ Đức) với diện tích hơn 20 ha, tổng mức đầu tư dự tính hơn 1.000 tỉ đồng. Song, cũng rơi vào quên lãng và đến nay lại tiếp tục được đề xuất trong gói chống ngập gần 10.000 tỉ nêu trên.
Muốn Thủ Đức hết ngập, phải tốn cả tỉ USD
Có hơn 20 năm nghiên cứu, tham gia các dự án chống ngập ở TP.HCM, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), khẳng định 10.000 tỉ chưa thấm vào đâu so với những gì TP.Thủ Đức cần để thoát ngập.
Theo ông, hiện nay hệ thống thoát nước khu vực phía đông - TP.Thủ Đức gần như mới chỉ được đầu tư sơ sài, kể cả hoàn thiện những dự án đang dang dở hay có thêm hồ điều tiết cũng chưa đủ. Hồ điều tiết chỉ là hạng mục bổ sung, tận dụng các khu vực trũng để trữ nước khi phải hứng chịu những hiện tượng bất thường từ biến đổi khí hậu, thoát nước không kịp. TP.Thủ Đức cần cả hệ thống đê ngăn triều, cống kiểm soát triều như các hạng mục đang triển khai tại dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… và mạng lưới cống thoát nước bài bản. Khi mưa xuống, chủ yếu thoát nước vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống thoát nước và các kênh, rạch… Chưa kể, tình trạng ngập mặn ngày càng vào sâu, ảnh hưởng nhiều. Mùa khô, nước mặn đã lấn khá sâu khiến một số tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thủ Đức đã không còn dùng được. Vì thế, cần có thêm các công trình ngăn chặn xâm nhập mặn, kiểm soát để giữ nước ngọt cho TP vào mùa khô.
"Tính tổng quan, đầu tư từ đầu đến cuối hệ thống chống ngập bài bản cho mỗi vùng diện tích 1 ha thì cần khoảng 150.000 USD, nhân lên thì riêng TP.Thủ Đức, cần tới khoảng 1 tỉ USD mới đủ. Từ cách đây gần 20 năm, các chuyên gia tư vấn Nhật Bản đã cảnh báo và dự kiến TP.HCM phải cần tới 6 tỉ USD mới có thể giải quyết được tình trạng ngập. Sau này, TP bổ sung thêm một số hạng mục cống, đê bao chống triều cường nên con số này được đẩy lên 8 tỉ USD, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng. Vì thế, dự án 10.000 tỉ đồng là tất yếu phải làm", PGS-TS Hồ Long Phi phân tích.
"TP phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cơ chế để nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới các dự án chống ngập theo đúng quy hoạch. Càng để lâu, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ bị giảm tác dụng vì TP.HCM đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hóa, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp...", chuyên gia này nhấn mạnh và đề xuất thêm: "Thay vì chỉ tập trung vào nhóm giải pháp ngăn chặn, chống ngập bằng cách không cho nước vào thông qua hệ thống đê, cống ngăn triều, cống thoát nước... thì cần kết hợp với nhóm "thích nghi" - quy hoạch mặt phủ thấm nước. Trên địa bàn TP còn nhiều không gian có thể tận dụng được để thực hiện các giải pháp này".
Bình luận (0)