Bên cạnh đó, việc sở hữu bộ não lớn hơn không đồng nghĩa có trí thông minh cao hơn, theo phát hiện quan trọng về người tiền sử của nhóm nhà nghiên cứu thuộc Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society).
Qua khám phá trong hệ thống hang động Rising Star tại nơi được gọi là Cái nôi của nhân loại ở châu Phi, các nhà nghiên cứu khẳng định loài Homo naledi, một loài cổ xưa sống từ 335.000 đến 236.000 năm về trước, là loài đầu tiên biết chôn đồng loại và đánh dấu nơi chôn, theo ABC News.
Tìm thấy khu chôn cất lâu đời nhất thế giới ở châu Phi
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hài cốt của cá thể trưởng thành và trẻ của Homo naledi được đặt trong tư thế bào thai ở những chỗ lõm trong hang động và được lấp bằng đất. Những ngôi mộ này có niên đại sớm hơn ít nhất 100.000 năm so với những ngôi mộ của người Homo sapiens. Toàn bộ người hiện đại đều thuộc loài Homo sapiens.
Homo naledi là loài có tay chân giống người nhưng kích thước não chỉ bằng 1/3. Các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng kích thước não là thước đo cho thấy loài này kém thông minh hơn nhiều so với loài Homo sapiens.
Tuy nhiên, giả thuyết này giờ đây bị bẻ ngược lại thông qua những phát hiện mới của nhóm nghiên cứu. "Đó là loài đầu tiên không phải người biết cách chôn cất", nhà cổ nhân loại học Residence Lee Berger, thành viên nhóm nghiên cứu, nói với ABC News.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều ký tự được khắc lên đá trên hang động, được cho là để đánh dấu nơi chôn cất. Các ký tự có hình tam giác, hình vuông, hình chéo và nhiều hình khác.
Những biểu tượng tương tự cũng được tìm thấy ở các hang động khác do người Homo sapiens khắc vào 80.000 năm trước và người Neanderthals 60.000 năm trước. Đó được cho là cách để họ lưu giữ và chia sẻ thông tin.
Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định liệu Homo naledi và Homo sapiens có mối tương tác nào hay không, khi cả hai loài có một giai đoạn tồn tại song song, cách đây khoảng 250.000 năm.
Ông Berger gọi đây là phát hiện "chấn động và gây sốc", giúp xóa bỏ ý niệm trước đây cho rằng con người có sự khác biệt so với động vật nhờ bộ não lớn. "Homo naledi có bộ não với kích thước chỉ bằng não tinh tinh nhưng lại biết chôn cất, hành vi mà trước đây được cho là chỉ có con người mới thực hiện", ông Berger nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Homo naledi biết sử dụng lửa và ăn thịt động vật, biết đặt đồ tạo tác trên những ngôi mộ. Tuy nhiên, họ chưa biết vì sao loài này tuyệt chủng. Các phát hiện mới được miêu tả chi tiết trong 3 nghiên cứu được chấp nhận đăng trên chuyên san eLife, theo CNN.
Người Neanderthal tuyệt chủng vì tình dục?
Hang động Rising Star nằm ở Nam Phi, là một trong những hang động nổi tiếng nhất thế giới thuộc khu cổ sinh vật học Cái nôi của nhân loại. Khu vực này được công nhận là di sản thế giới của UNESCO từ năm 1999. Nhóm của ông Berger đã vẽ sơ đồ hang động vào năm 2008 và sau đó khám phá ra một mê cung với nhiều lối đi rất hẹp, dẫn đến những hang động chứa các bộ xương. Những bộ xương hóa thạch đầu tiên của Homo naledi được phát hiện vào năm 2013.
Bình luận (0)