Làm việc hiệu quả hơn không phải là làm việc chăm chỉ hơn, mà là thông minh hơn mỗi ngày. Dưới đây là gợi ý về 12 thói quen xấu mà bạn có thể từ bỏ để tăng năng suất lao động trong năm 2016.
Ảnh: Shutterstock |
1. Truy cập web quá nhiều
Vì hầu hết chúng ta đều có truy cập internet tại công sở, thật dễ dàng để chúng ta tra cứu ngay một vấn đề, câu hỏi bất chợt hiện lên trong đầu mình. Đây là lý do tại sao người dùng Quora Suresh Rathinam gợi ý rằng bạn nên viết ra câu hỏi mình cần tìm lời giải trong một cuốn sổ hay notepad, để rồi tra thông tin trên mạng sau khi hoàn thành công việc.
2. Làm nhiều việc cùng lúc
Trong khi nhiều người tin rằng họ rất giỏi trong chuyện làm nhiều việc cùng lúc, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chỉ có 2% dân số thế giới có thể bảo đảm hiệu quả công việc khi làm nhiều thứ cùng lúc.
3. Truy cập email liên tục cả ngày
Lên internet liên tục cũng đồng nghĩa với chuyện nhiều người đã và đang kiểm tra hộp thư điện tử của họ nhiều lần một ngày. Mỗi khi bạn làm như thế, bạn mất khoảng 25 phút làm việc. Ngoài ra, kiểm tra email liên tục sẽ khiến bạn ngớ ngẩn hơn.
4. Dành công việc quan trọng nhất để làm vào cuối ngày
Nhiều người bắt đầu ngày làm việc mới của họ bằng cách thực hiện các nhiệm vụ dễ dàng trước và để công việc khó hơn lại để làm sau. Đây là một ý tưởng tồi và là cách để bạn dễ dàng không làm trọn vẹn nhiệm vụ quan trọng. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng lượng ý chí làm việc của con người sẽ giảm dần trong cả ngày.
5. Tham gia quá nhiều buổi họp
Không có gì làm gián đoạn dòng chảy của năng suất làm việc mạnh mẽ hơn một cuộc họp không cần thiết. Với vô số công cụ như email, tin nhắn, video chat trong tầm tay, bạn có thể để dành các buổi họp mặt lại cho những vấn đề thực sự quan trọng.
Tham gia quá nhiều cuộc họp không cần thiết có thể ảnh hưởng năng suất làm việc - Ảnh: Shutterstock
|
6. Ngồi cả ngày
Nilofer Merchant, nhà tư vấn kinh doanh từng chia sẻ về phương pháp mà cô đã cung cấp cho vài công ty lớn, giúp họ nghĩ ra thêm nhiều ý tưởng mới: các cuộc họp đi lại. Cô Merchant gợi ý thay vì ngồi cùng tách cà phê, các buổi họp có thể bao gồm hoạt động đi bộ và nói chuyện mỗi tuần khoảng 20 đến 30 dặm.
7. Bấm nút “báo lại” (snooze) cho chuông báo thức
Dù việc nhấn nút “báo lại” có thể tạo cho bạn cảm giác có thêm thời gian một chút thời gian nghỉ, hành động này để lại nhiều tác hại hơn là có ích. Đó là vì khi bạn thức dậy, hệ thống nội tiết của bạn bắt đầu sản sinh hoóc môn tỉnh táo, giúp bạn sẵn sàng cho ngày mới. Bằng cách đi ngủ trở lại, bạn đang làm chậm quá trình này. Thêm vào đó, 9 phút “ngủ nướng” không đủ để cơ thể bạn phục hồi.
8. Không đặt thứ tự ưu tiên
Một số người cho rằng việc có nhiều mục tiêu là cách tốt nhất để đảm bảo sự thành công, vì nếu một ý tưởng không đem lại kết quả, họ còn nhiều sự lựa chọn khác. Thật không may, cách làm việc này không hề hiệu quả. Tỉ phú Warren Buffett từng giúp phi công riêng của ông nhận ra điều này. Ông Buffett yêu cầu người phi công viết ra 25 điều mà anh muốn làm nhất trước khi chết, nhưng nói rằng thay vì bước từng bước nhỏ để hoàn thành tất cả chúng, chỉ chọn ra 5 điều mà anh nghĩ là quan trọng nhất, thực hiện chúng và bỏ qua các điều còn lại.
9. Lên kế hoạch quá mức
Nhiều người tham vọng cố gắng tổ chức một ngày làm việc của họ thật cụ thể để tối đa hóa năng suất lao động. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều đi theo kế hoạch, và một yếu tố đi ngược lại có thể khiến toàn bộ kế hoạch trong ngày của họ bị đảo lộn. Vì thế, bạn có thể thử lên kế hoạch chỉ 4 đến 5 giờ làm việc thật sự mỗi ngày. Cách này cũng giúp bạn làm việc linh hoạt hơn.
10. Không lên kế hoạch
Nhiều người nói rằng để đạt được bất cứ mục tiêu dài hạn nào, bạn đều cần phải lên chiến lược để đạt được nó. Giảng viên Robert Pozen thuộc Đại học Harvard (Mỹ) khuyên rằng bạn nên xác định mục đích cuối cùng mình muốn là gì, rồi lên kế hoạch một loạt bước đi bạn cần phải có. Khi đã đi được nửa chặng đường, bạn có thể xem xét lại công việc của mình, bảo đảm rằng bản thân đang đi đúng hướng và có sự điều chỉnh thêm cho phù hợp.
11. Để điện thoại kế giường ngủ
Màn hình LED của điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay cho ra ánh sách màu xanh vốn có thể làm hỏng thị lực và ngăn chặn sự sản sinh hoóc môn melatonin giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Những người có nồng độ melatonin thấp cũng dễ bị trầm cảm hơn.
12. Cầu toàn
Yếu tố lớn hơn sự lười biếng, khiến sự trì hoãn hay xảy ra là nỗi sợ không điều gì có thể làm tốt được. Triết gia và tác giả người Anh Alain de Botton viết: “Chúng ta chỉ bắt đầu làm việc khi nỗi sợ không làm gì cả lớn hơn nỗi sợ sẽ không làm điều đó một cách rất tốt”. Cách hay để bớt trì hoãn, thay đổi lối nghĩ cầu toàn là bỏ qua các chi tiết phiền phức, không cần thiết và tiếp tục làm việc.
Bình luận (0)