120 doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia - Lào dự hội chợ quốc tế ở An Giang

Trần Ngọc
Trần Ngọc
27/05/2024 19:31 GMT+7

300 gian hàng của 120 doanh nghiệp đến từ Việt Nam - Campuchia và Lào đã tham dự hội chợ quốc tế Tịnh Biên do tỉnh An Giang tổ chức.

Tối 27.5, tại TX.Tịnh Biên, tỉnh An Giang tổ chức lễ khai mạc hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên năm 2024 thu hút hơn với 300 gian hàng của hơn 120 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào.

120 doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia - Lào dự hội chợ quốc tế ở An Giang- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh An Giang và các tỉnh của Vương quốc Campuchia tham quan các gian hàng tại hội chợ

TRẦN NGỌC

Hội chợ diễn ra trong 7 ngày, từ 27.5 đến 2.6, các doanh nghiệp mang đến hội chợ hàng hóa đa dạng gồm nhiều sản phẩm mới, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP... chất lượng tốt, nhiều mẫu mã đa dạng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên còn được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng trong thúc đẩy quan hệ ngoại giao, hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa tỉnh An Giang và các tỉnh của Campuchia, với mục tiêu tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN nói chung, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng. Hội chợ là dịp quảng bá sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, hợp tác kinh doanh, phát triển chi nhánh và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa. Thông qua đó tiếp tục phát huy hiệu quả thúc đẩy tăng cường hữu nghị, kết nối giao thương, hợp tác thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong và ngoài nước".

120 doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia - Lào dự hội chợ quốc tế ở An Giang- Ảnh 2.

Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm tại hội chợ

TRẦN NGỌC

Ông Dông Sô Vat Tha Na, Phó tỉnh trưởng Takeo, Campuchia đánh giá: "Đây là cơ hội rất tốt trong việc phát huy các sản phẩm địa phương và nâng cao chất lượng, giá cả phải chăng, an toàn sử dụng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời là cơ hội tìm kiếm đối tác bán hàng tiếp theo ngày càng nhiều hơn, phù hợp với thời đại thị trường tự do cả trong và ngoài khu vực. Việc thu mua các sản phẩm địa phương đồng nghĩa với tạo công ăn việc làm cho người dân và một phần giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời củng cố và mở rộng tính ổn định của sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và làm sao góp phần thúc đẩy sự hiện diện của sản phẩm tại các thị trường, đặc biệt ngày càng có nhiều mặt hàng tại các siêu thị trong tương lai".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.