Doanh nghiệp bất động sản nào công bố hết nợ trái phiếu?

Mai Phương
Mai Phương
27/05/2024 13:58 GMT+7

Một số doanh nghiệp bất động sản đã công bố hết nợ trái phiếu sau một thời gian mua lại trước hạn.

Một số doanh nghiệp bất động sản đã công bố hết sạch nợ trái phiếu. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán AGG) mới đây đã công bố tất toán lô trái phiếu cuối cùng trị giá 300 tỉ đồng trong tháng 5, qua đó đưa dư nợ trái phiếu về 0. Đây là lô trái phiếu do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương thu xếp phát hành với lãi suất thỏa thuận và có kỳ hạn 24 tháng, được bảo đảm bằng các dự án, bất động sản đầu tư thuộc sở hữu của An Gia và các tài sản khác của bên thứ ba.

Việc đưa nợ trái phiếu về 0 của An Gia đã được công bố tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Công ty này cũng công bố chưa có kế hoạch huy động vốn mà chỉ công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức 25% và cổ phiếu ưu đãi theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Năm nay, doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 1.600 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 250 tỉ đồng, tăng 43% so với thực hiện của năm 2023.

Doanh nghiệp bất động sản nào công bố hết nợ trái phiếu?- Ảnh 1.

Công ty bất động sản Phát Đạt đã trả hết nợ trái phiếu

PDR

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) cũng công bố đã trả khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị 2.500 tỉ đồng đúng hạn và trước hạn, đưa dư nợ vay trái phiếu về 0 đồng từ cuối năm 2023. Ngày 13.5 vừa qua, Phát Đạt đã chốt danh sách cổ đông để chào bán hơn 134,3 triệu cổ phiếu. Số tiền dự kiến thu được từ được chào bán này lên hơn 1.343 tỉ đồng sẽ được công ty sử dụng để thực hiện các dự án bất động sản.

Tương tự, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) cũng chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng từ cuối năm 2023. Trong Báo cáo tài chính quý 1/2024, hiện dư nợ vay dài hạn của công ty hơn 3.534 tỉ đồng và không còn ghi nhận nợ trái phiếu...

Theo Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỉ đồng, tương đương 40,2%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.