Hôm nay, tại Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam – Vương quốc Anh (tổ chức tại Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc cho biết, Vương quốc Anh là một trong những điểm đến học tập hấp dẫn nhất cho các lưu học sinh Việt Nam ở trình độ đại học và sau đại học.
Theo ông Phúc, trong mấy chục năm qua, đã có nhiều dự án hợp tác đào tạo, dự án tài trợ thông qua nguồn viện trợ ODA, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên, các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học của Việt Nam với các trường đại học nước ngoài nói chung và các trường đại học Vương quốc Anh nói riêng. Vương quốc Anh nhiều năm qua đã cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi du học sau đại học thông qua Chương trình học bổng Chevening của Chính phủ Anh. Nhiều thế hệ ứng viên đã tốt nghiệp tại nước Anh đã và đang đóng góp tri thức và năng lực cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Chính phủ Việt Nam cũng gửi nghiên cứu sinh Việt Nam sang học bằng nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam như các đề án 322, 911 và 599 và các nguồn học bổng từ phía các Bộ/ngành/doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều du học sinh Việt Nam học tập bằng các nguồn ngân sách khác, trong đó có học bổng từ các trường đại học/doanh nghiệp của Anh trao hàng năm như học bổng của hãng BP và đặc biệt du học tự phí tại Vương quốc Anh. Tổng số sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh hiện tại khoảng 12.000 người đứng thứ ba trong số các nước mà lưu học sinh Việt Nam lựa chọn để du học.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Vương quốc Anh còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai bên, vẫn còn nhiều trường đại học Việt Nam, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều thông tin và các cơ hội tiếp cận về hệ thống các trường đại học của Vương quốc Anh. Chẳng hạn, đến tháng 3.2017 có khoảng 80 chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam do gần trường 30 trường đại học, cao đẳng Vương quốc Anh hợp tác với khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 40 chương trình đang hoạt động. 40 chương đã dừng hoạt động.
Các chương trình này được phân chia theo bậc học như sau: trình độ cao đẳng chiếm 13%; trình độ đại học chiếm 70%; trình độ thạc sĩ: chiếm 17% và chưa có chương trình liên kết đào tạo nào ở trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, trong số 29 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì mới có 2 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Anh là trường đại học Việt Nam - Anh Quốc (BUV) và trường phổ thông liên cấp BIS tại Hà Nội.
Trong khi đó, Anh là nơi có nhiều trường đại học danh tiếng, xếp thứ hạng rất cao mà sinh viên của rất nhiều nước trên thế giới đều mong muốn được đến học tập, nghiên cứu, trong đó có sinh viên Việt Nam. “Tôi mong rằng, trong diễn đàn này, các quý vị sẽ trao đổi thẳng thắn về những ý tưởng của mình để làm thế nào tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học Vương quốc Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa về giáo dục đại học; đặc biệt tôi mong muốn có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học của Vương quốc Anh mở phân hiệu tại Việt Nam”, ông Phúc nói.
Bình luận (0)