13 năm thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn: 'Xem việc gì còn nợ người dân'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/11/2021 16:08 GMT+7

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng cho biết, sau khi tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, T.Ư sẽ xem xét ban hành nghị quyết mới về vấn đề này.

Xem xét ban hành nghị quyết mới về nông nghiệp, nông thôn

Chiều nay 26.11, Ban Kinh tế T.Ư và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tổng kết Nghị quyết số 26 năm 2008 của T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng

gia hân

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 (Ban Chỉ đạo), cho biết sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.

Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người (năm 2010) lên trên 42 triệu đồng/người (năm 2020), vượt mục tiêu đề ra.

Tuy vậy, ông Hưng cho biết, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc...

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Để thực hiện mục tiêu tổng thể này, cần tổng kết Nghị quyết 26 "để rà lại xem đã làm được những kết quả gì, những việc gì còn nợ người dân" để từ đó đề xuất chiến lược, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.

Theo ông Hưng, tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, các diễn giả sẽ cùng nhau bàn 5 việc lớn cũng là chuyên đề 5 trong tổng thể 25 chuyên đề của Ban Chỉ đạo đặt ra, gồm: liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách huy động nguồn lực, chính sách tài chính, chính sách tín dụng và chính sách khoa học công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn.

"Tổng kết Nghị quyết 26 lần này sẽ là đợt tổng rà soát cơ chế, chính sách để xem cần thay đổi theo hướng nào, cụ thể ra sao để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn", ông Hưng nhấn mạnh và cho biết, báo cáo tổng kết sẽ được trình T.Ư tại hội nghị đầu tháng 5.2022.

"Nếu thuận lợi, tốt đẹp, T.Ư sẽ thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 26, đáp ứng sự mong chờ của bà con nông dân cả nước", ông Hưng cho hay.

Tạo điều kiện tích tụ ruộng đất

Tham luận về về việc phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận, điều kiện cần thiết để phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia còn nhiều hạn chế, bất cập về quy hoạch vùng nguyên liệu trong liên kết vùng, tích tụ và tập trung ruộng đất, kết cấu hạ tầng sản xuất và thông tin...

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết các chính sách huy động nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 26

gia hân

Từ đó, ông Bảo đề nghị, cần sớm sửa đổi luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn.

"Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản", ông Bảo nói.

Cho rằng, cơ chế chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chồng chéo, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH-ĐT, cho biết mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, song hoạt động này chủ yếu giao cho các bộ, ngành tự rà soát nên hiệu quả thực chất chưa cao.

Theo ông Dương, tới nay vẫn còn 365 thủ tục hành chính, 272 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng, cơ chế chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh. Từ đó, ông Dương kiến nghị, cần cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.