13 người chết cháy là tại… ông trời?

Những cái chết tức tưởi vì cháy nổ. Chúng ta không thể vô can vì biết đâu một ngày nào đó bạn, tôi có thể là nạn nhân của sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, coi đồng tiền lớn hơn tính mạng con người.

Lướt facebook, thấy người đi đường tiện tay livestream vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy – Hà Nội, bụng bảo dạ, chỉ là đám cháy thường thôi. Sáng ra mở báo, giật mình thấy con số nạn nhân tử vong đến 13 người. Tôi chợt nhớ dòng trạng thái của một người bạn: “Ở Việt Nam, thần chết có quá nhiều việc để làm”.
Người Việt thường hay đổ lỗi do…xui xẻo hay họa vô đơn chí mỗi khi phải gánh chịu những tai nạn mù mờ về nguyên nhân. Vậy thì 13 mạng người ấy có phải là do ông trời?
Khi viết những dòng này, tôi chỉ còn biết cầu mong 13 là con số cuối cùng và những người còn lại đã bình an. Rồi sẽ làm rõ, rồi sẽ quy trách nhiệm và ai đó sẽ phải bị trừng phạt. Nhưng dù có gì đi chăng nữa, 13 người vẫn không thể trở về và nỗi đau của thân nhân họ sẽ còn kéo dài theo năm tháng.
Chỉ hơn một tháng trước, dư luận từng xôn xao bởi hình ảnh Bích Cherry với chiếc áo ngực bưng mũi hoảng loạn lao ra khỏi đám cháy quán karaoke 8 tầng lầu, cũng tại Cầu Giấy – Hà Nội. Nếu chúng ta xót thương cho những người công nhân tử nạn trong hầm than vì họ ra đi trong lúc mang lại của cải vật chất cho xã hội thì cũng đau lòng không kém với những người tức tưởi chết vì lý do đơn giản từ cái mỏ hàn xì.
Chẳng biết sẽ còn thêm bao nhiêu mạng người oan uổng nữa thì ý thức phòng cháy chữa cháy mới được nâng lên. Được biết, trong các thiết kế nhà cao tầng người ta luôn dành một không gian không nhỏ cho những lối thoát hiểm và công cụ chữa cháy.
An sinh xã hội không chỉ có vấn đề cơm ăn áo mặc, mà cả an toàn trong vui chơi giải trí. Nếu cơ quan chức năng không siết chặt quản lý cháy nổ, tình trạng xây dựng không tuân thủ quy định thì những thảm họa tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thật khó để đổ lỗi cho ai đó, nhất là trong một xã hội mà trách nhiệm chẳng khác nào trái bóng trên sân. Nhưng nói rộng ra, việc đặt những bảng quảng cáo san sát nhau theo kiểu tự phát, những kiến trúc kỳ quái mọc lên trong đô thị chẳng lẽ không có một cơ quan chức năng nào kiểm tra từ bản vẽ cho đến khi thi công. Nhất là ở một con đường lớn giữa thủ đô như Trần Thái Tông.
Chẳng lẽ 13 mạng người của vụ cháy hôm nay và hàng trăm nạn nhân khác của bà hỏa trong nhiều năm qua cùng bao nhiêu tài sản tan theo tro bụi không thể đánh động gì đến ai, hay là ai cũng nghĩ rằng trách nhiệm không thuộc về mình? Chẳng lẽ một công trình đồ sộ như vậy, lại kinh doanh loại hình dịch vụ nhạy cảm có thể lọt qua “khe cửa” đảm bảo an toàn cháy nổ?
Đừng đỗ lỗi cho lửa cháy quá nhanh, phòng quá kín mà hãy xem lại công tác quản lý xây dựng, thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy. Chỉ cách đây mấy hôm, vụ nổ nồi hơi ở Thái Bình cướp đi 3 mạng người đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.
An sinh cho xã hội không phải chỉ có vấn đề cơm ăn áo mặc, mà cả an toàn trong vui chơi giải trí. Nếu cơ quan chức năng không siết chặt quản lý cháy nổ, tình trạng xây dựng không tuân thủ quy định thì những thảm họa tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một xã hội sẽ thiếu lành mạnh nếu những cái chết lãng xẹt cứ nối tiếp nhau đổ xuống đầu người dân. Chúng ta không thể vô can vì biết đâu một ngày nào đó bạn, tôi, và tất cả chúng ta có thể là nạn nhân của sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, coi đồng tiền lớn hơn tính mạng con người.
Mỗi năm có hàng ngàn người tử nạn vì tai nạn giao thông, giết người vì mâu thuẫn, chết vì cháy nổ… thật day dứt. Một khi tai họa chưa tìm đến hỏi thăm, chúng ta hãy hành động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.