13 nguyên nhân kích hoạt trầm cảm ai cũng có thể phải đối mặt

Tạ Ban
Tạ Ban
28/07/2019 10:37 GMT+7

Ai cũng có thể bị trầm cảm, không phân biệt lứa tuổi, màu da, tôn giáo, địa vị…

Trầm cảm không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, thiếu mục đích, không biết sống trọn vẹn từng khoảnh khắc hay tính cách không ổn định. Nó là tình trạng tâm trí không thể kiểm soát với hơn 100 loại chẩn đoán. Nếu không được can thiệp, nó không chỉ gây ra những khó khăn trong công việc, cuộc sống mà còn khiến người mắc trầm cảm nảy sinh ý nghĩ tự sát, tự hại.
Dưới đây là 13 yếu tố phổ biến có thể kích hoạt tình trạng này, theo Christine Hammond - chuyên gia cố vấn sức khỏe tâm thần được cấp phép bởi bang Florida (Mỹ) với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn, giảng dạy, được PC ghi lại. 

1. Thay đổi môi trường

Martin ghét sự thay đổi, đến nỗi anh mặc gần như một kiểu đồ mỗi ngày. Vì vậy, khi chuyển đến địa phương khác do yêu cầu công việc, anh bị loại trầm cảm gọi là rối loạn điều chỉnh/rối loạn thích ứng. Thường mất 1 tháng đến 1 năm để điều chỉnh với hoàn cảnh mới tùy người. Trị liệu có thể giúp ích. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn, không vội vàng, theo PC.
2. Thay đổi nội tiết tố
Sau khi sinh, nhiều bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Những trường hợp này cần được bác sĩ y khoa và nhà trị liệu hỗ trợ ngay lập tức.
3. Chấn thương gần đây
Rachael bị tai nạn xe hơi chỉ phải ở viện 1 tuần nhưng nạn nhân khác cùng xe lại hôn mê. Dù không phải lỗi của Rachael và bản thân cô biết ơn vì đã sống sót nhưng trầm cảm xuất hiện khoảng 3 tháng sau đó. Cô bắt đầu tỉnh giấc giữa đêm vì ác mộng, bị hoảng loạn, gặp khó khăn khi ngồi xe chứ chưa nói đến việc lái xe. Rachael bị hội chứng căng thẳng sau sang chấn, cần điều trị để phục hồi hoàn toàn.
4. Chấn thương trong quá khứ
Tim trở nên vô cùng chán nản khi con trai tròn 9 tuổi dù cuộc sống của anh vẫn rất tốt. Khi đi trị liệu anh mới phát hiện ký ức đau thương hồi 9 tuổi khi cha anh chết trong một vụ hỏa hoạn, đã lộ diện khi anh nhìn con trai bằng tuổi mình năm ấy. Đây là sự đau buồn trì hoãn, thường xảy ra khi trẻ còn quá nhỏ để xử lý những gì đã xảy ra.
5. Lạm dụng
Có 7 loại lạm dụng: thể chất, lời nói, cảm xúc, tinh thần, tài chính, tình dục và tâm linh. Về lâu dài, lạm dụng có thể biến thành hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp, thường dẫn đến trầm cảm. Trầm cảm này khiến một người bị mắc kẹt trong chu kỳ lạm dụng, vô vọng, không thể thoát ra.
Trị liệu là phương pháp tốt nhất cho loại trầm cảm này. Có thể mất nhiều năm để phục hồi hoàn toàn sau khi bị lạm dụng.
6. Mất người thân
Ashley phụ thuộc vào chồng nhiều và khi chồng qua đời, cô cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng. Ai cũng biết trầm cảm là một phần của quá trình đau buồn nhưng nó kéo dài hơn cô tưởng, đến 21 năm. Không có thời gian biểu thực sự cho trầm cảm. Thường nó sẽ mất ít nhất 1 năm đối với sự ra đi của thành viên gia đình gần gũi và ít hơn thế đối với các mối quan hệ xa hơn. Các nhóm hỗ trợ chia sẻ đau buồn vô cùng hữu ích khi xử lý mất mát. Chúng giúp ta biết rằng những người khác cũng trải qua các triệu chứng tương tự.
7. Thay đổi tình trạng hôn nhân
Mark không thể tin rằng sau 25 năm, cuộc hôn nhân đã kết thúc trong khi công việc thì thụt lùi. Anh cảm thấy như cuộc sống đã kết thúc. Mark quay cuồng với suy nghĩ về việc tự tử. Đây là rối loạn trầm cảm điển hình nặng và cần được điều trị ngay lập tức bởi bác sĩ y khoa và nhà trị liệu.
8. Không có nguyên nhân thực sự
Monica cho biết chồng mình rất chán nản trong vài ngày, không chịu ra khỏi giường và vài tuần sau lại sẽ rất phấn khích, không thể ngủ được, và thậm chí hưng cảm mấy ngày. Mô hình lặp lại sau mỗi 6 tuần. Chồng cô có thể bị rối loạn lưỡng cực, là trầm cảm hóa học não, cần được điều trị bởi bác sĩ tâm thần và nhà trị liệu. Họ phải được chăm sóc chuyên nghiệp, được theo dõi và uống thuốc đúng cách.
9. Sự thay đổi giai đoạn
Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều chứa đựng một cơ hội để phát triển, trì trệ hoặc giảm bớt. Theo thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erik Erickson, có 8 giai đoạn xảy ra trong suốt cuộc đời của một người. Việc hoàn thành thành công từng giai đoạn giảm thiểu cảm giác trầm cảm trong khi kết quả không thành công có thể tích lũy và kết hợp cảm giác trầm cảm. Điều này trở thành loại trầm cảm tái phát, đòi hỏi điều trị để giải quyết và chữa lành khỏi quá khứ.
10. Thay đổi kiểu suy nghĩ
Sau nhiều lần thất bại, Sue bắt đầu tin rằng cô là một người thất bại. Cô có những suy nghĩ như: tôi không đủ tốt, không bao giờ thành công được, vô dụng... và từ chối những điều tích cực. Sự mất cân bằng này dẫn đến trầm cảm đòi hỏi phải trị liệu nhận thức.
11. Kìm nén cảm xúc
Dave (40 tuổi), đạt thành công như từng mơ ước. Nhưng đổi lại, anh bỏ qua nhu cầu thể chất và tinh thần, dẫn đến loét và viêm đại tràng nặng. Khi sống chậm lại, tất cả cảm xúc từng bị bỏ lơ đã quay lại như trận lụt. Loại trầm cảm cảm xúc được giải quyết bằng trị liệu.
12. Thay đổi trong cơ thể
Khi có tuổi, Kelsey ghét cơ thể mình. Cô buồn bã vì dù tập thể dục và ăn uống hợp lý vẫn không duy trì được cân nặng như mình muốn. Cô bị rối loạn ăn uống liên quan đến hình ảnh bản thân, cần được điều trị bởi bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm thần và nhà trị liệu.
13. Căng thẳng tài chính
Áp lực tiền bạc, thu nhập… gây ra khủng hoảng. Chối bỏ căng thẳng tài chính sẽ không làm trầm cảm biến mất mà khiến nó tồn tại lâu hơn. Nói chuyện với một nhà trị liệu và một nhà hoạch định tài chính giỏi rất hữu ích trong trường hợp này, theo PC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.