14/40 vụ việc do Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ đã khởi tố điều tra

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/07/2024 16:47 GMT+7

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, thời gian qua Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra để xử lý, trong đó 14 vụ đã được khởi tố điều tra, xử lý.

Chiều 2.7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, nếu thông qua kết quả kiểm toán phát hiện ra có các vấn đề liên quan dấu hiệu tội phạm sẽ kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xem xét, xử lý.

14/40 vụ việc do Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ đã khởi tố điều tra- Ảnh 1.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung trả lời tại họp báo chiều 2.7

GIA HÂN

Theo bà Dung, qua hoạt động kiểm toán, hằng năm đã cung cấp hàng trăm báo cáo kiểm toán cho Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý, phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

"Trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp", bà Dung thông tin; đồng thời cho hay, trong cả 40 vụ việc, Kiểm toán Nhà nước đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan điều tra.

Đáng chú ý, theo bà Dung, trong 40 vụ việc được Kiểm toán Nhà nước chuyển, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc. Trong 35 vụ việc đó, có 14 vụ việc đã khởi tố để điều tra, xử lý; 21 vụ việc đang có ý kiến để điều tra, đợi kết quả giám định.

Vẫn theo nữ Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, công tác giám định cần có thời gian thực hiện; đồng thời cũng có các nội dung cần tiếp tục xác minh trong thời gian tới. "Cũng có một số nội dung trong các vụ việc không khởi tố vụ án vì các sai phạm đã được xử lý", bà Dung nói.

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm ngay các vụ việc, bà Dung chỉ ra, cũng rất khó bởi có các vụ việc cần có thời gian để điều tra, xác minh. Để bảo vệ quyền lợi cho các bên thì chưa thể xử lý dứt điểm các vụ việc. Thời gian tới cũng sẽ có văn bản để phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Bà Dung cũng cho biết, trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. "Đây là tài liệu rất quan trọng. Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có quy trình kiểm toán riêng", bà Dung cho hay.

Riêng năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 7 vụ việc cho cơ quan điều tra. Thông tin thêm về các vụ việc này, ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 6, chia sẻ, năm 2022, thực hiện quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán tài nguyên khoáng sản đối với TP.Hải Phòng.

Trong quá trình kiểm toán, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản theo quy định của bộ luật Hình sự. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm đã báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước theo đúng trình tự quy định và chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Đến nay, ông Toàn nói, Công an Hải Phòng thông báo đã khởi tố vụ án với 2/7 vụ việc về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Ông Toàn nêu rõ, với tất cả các sai sót phát hiện trong báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đều có kiến nghị tương ứng, phù hợp theo đúng quy trình, quy định của Kiểm toán Nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.