Kiểm toán rồi sao vẫn nhiều sai phạm?

06/06/2024 05:39 GMT+7

Vì sao nhiều dự án sau kiểm toán vẫn phát hiện sai sót trong đấu thầu, hay các sai phạm như tại SCB, tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An? Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đến đâu, có bỏ lọt tội phạm hay không là vấn đề nóng được nhiều đại biểu hỏi trong phiên đăng đàn trả lời chất vấn lần đầu tiên của Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sáng 5.6.

TRÁCH NHIỆM KTNN TRONG CÁC VỤ SCB, PHÚC SƠN ?

Đại biểu (ĐB) Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu thực tế vừa qua tại một số dự án đầu tư xây dựng đã kiểm toán, cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm qua đấu thầu. Ông cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có giải pháp khắc phục.

Kiểm toán rồi sao vẫn nhiều sai phạm?- Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường

Gia Hân

Lý giải vì sao sau kiểm toán vẫn xảy ra sai sót, Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập. Đối tượng và phạm vi kiểm toán liên quan đến các hoạt động quản lý tài chính công, tài sản công của 12 nhóm đơn vị theo quy định. Dẫn lại một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu, cụ thể liên quan đến tiêu cực trong đấu thầu của Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An, ông Tuấn cho hay đây không phải doanh nghiệp (DN) có vốn Nhà nước nên không phải đối tượng của KTNN.

Kiểm toán rồi sao vẫn nhiều sai phạm?- Ảnh 2.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn

Gia Hân

Tuy nhiên, dưới góc độ có liên quan, các DN này là nhà thầu sử dụng tài chính công. Do đó, khi KTNN thực hiện kiểm toán tại các chủ đầu tư, cũng xem xét nhà thầu thực hiện gói thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Quá trình kiểm toán sẽ chỉ ra sai sót và kiến nghị từ xử lý tài chính đến trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng từ các vụ án tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án khác cho thấy có sự câu kết giữa DN ngoài Nhà nước với một số cán bộ để trục lợi tài sản của Nhà nước. Tuy các DN ngoài Nhà nước không thuộc đối tượng của KTNN, nhưng các đơn vị này đều sử dụng tài chính công, tài sản công, nên ông đề nghị Tổng KTNN làm rõ các giải pháp để tham gia phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự thời gian tới.

Theo Tổng KTNN, Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến chấp hành pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm pháp luật về đấu thầu. Theo quy định, hoạt động của KTNN đánh giá sự tuân thủ pháp luật của đơn vị được kiểm toán. Trên cơ sở kiểm toán chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan kiểm toán cũng đưa ra kiến nghị.

"Để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, thuật ngữ kiểm toán điều tra đã được đề cập từ năm 1946, đến nay gần 80 năm vẫn đang tranh luận ở quốc tế có nên tham gia điều tra, đi đến cùng là truy tố hành vi phạm tội hay không. Hiện ít cơ quan kiểm toán tối cao của các nước phát triển thực hiện chức năng này", ông Ngô Văn Tuấn nêu và cho biết: "KTNN sẽ làm tròn chức năng đánh giá kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật" với tinh thần "đúng vai, thuộc bài thì không bao giờ sai".

ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhắc lại vụ việc xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Theo ông Hải, nhiều công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của SCB, nhưng không phát hiện được dấu hiệu bất thường của ngân hàng này. Vậy vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán đối với vụ việc tại SCB và tương tự trong thời gian qua là như thế nào?

Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, vụ án xảy ra tại SCB có 3 nhóm tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và cả 3 hành vi này đều không liên quan gì đến KTNN, do không thuộc đối tượng và phạm vi quản lý. Trách nhiệm liên quan thuộc về các DN kiểm toán độc lập đã cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của SCB.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dù không thuộc diện quản lý của KTNN, nhưng khi kiểm toán đối với hệ thống ngân hàng nhà nước, KTNN đã kiến nghị và lưu ý một số vấn đề tại SCB. Từ năm 2012 - 2022, SCB đều thuê công ty kiểm toán nước ngoài để thực hiện kiểm toán độc lập. Trong quá trình thực hiện kiểm toán đã có những thiếu sót, sai phạm và đã bị cơ quan tố tụng điều tra, xử lý.

CHỐNG THAM NHŨNG TRONG NỘI BỘ KIỂM TOÁN

Nhận thức tầm quan trọng của KTNN trong việc ngăn ngừa sai phạm quản lý và sử dụng tài sản công, nhiều ĐB đề nghị cần có giải pháp chống tham nhũng ngay trong nội bộ lực lượng này. ĐB Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đặt vấn đề mô hình tổ chức của KTNN như hiện nay liệu có nảy sinh tiêu cực giữa kiểm toán khu vực với các địa phương trong địa bàn kiểm toán hay không, giải pháp nào ngăn chặn nguy cơ trên?

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết ngành kiểm toán hiện có hơn 1.800 biên chế, trong đó 8 cơ quan kiểm toán chuyên ngành và 13 kiểm toán khu vực. Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành luôn được KTNN coi trọng hàng đầu. Để ngăn chặn tham nhũng, KTNN "làm rất mạnh" công tác luân chuyển cán bộ, luân chuyển từ trụ sở chính về khu vực, trong khu vực và cả giữa các địa bàn trong khu vực với nhau. Đồng thời, KTNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ, nhằm kiểm soát và bảo đảm hoạt động kiểm toán diễn ra chất lượng, công tâm, khách quan.

Cùng tham gia chất vấn, ĐB Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) đặt giả thiết trong trường hợp KTNN vào kiểm toán nhưng không phát hiện ra sai phạm, sau đó cơ quan khác vào kiểm tra thì lại phát hiện. Trách nhiệm của kiểm toán trong trường hợp này như thế nào?

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho hay luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra trong trường hợp bỏ lọt sai phạm. Theo đó, với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm, đến khi cơ quan khác vào kiểm tra cùng nội dung, cùng thời kỳ kiểm toán lại phát hiện sai phạm, thì cần làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi, tùy mức độ sẽ xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, xử lý cá nhân hoặc cả tập thể. "Xin báo cáo với đại biểu, trong gần 30 năm hoạt động, KTNN chưa có trường hợp nào phải xử lý như vậy", ông Tuấn khẳng định.

ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị): Có ý kiến cho rằng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì gợi ý, vòi vĩnh, chia chác, để bỏ qua sai phạm theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Liệu có cần xây dựng cơ chế thanh tra, giám sát độc lập thường xuyên hoạt động của kiểm toán ngoài thanh tra của ngành để quyền lực KTNN được kiểm soát chặt chẽ?

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn: Tham nhũng, tiêu cực trong ngành chúng tôi thừa nhận là có nhưng rất ít. Đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Chúng tôi kiên quyết loại bỏ con sâu này để giữ đạo đức, chuẩn mực. Thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục rà soát các văn bản, kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.