Trung tướng Nhanh cho biết khởi điểm của lực lượng 141 (tên gọi theo số quyết định thành lập - PV) là vào năm 2011, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông, nơi công cộng ở Hà Nội xuất hiện nhiều đối tượng côn đồ hung hãn, mang theo vũ khí thô sơ, vũ khí nóng, đã gây ra một số vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Ban Giám đốc Công an TP họp và quyết định thành lập 5 tổ công tác đặc biệt gồm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động để trấn áp các đối tượng lộng hành, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần làm giảm và kiềm chế tội phạm, tai nạn giao thông, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đến ngày 17.9.2012, Công an TP báo cáo và được lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP.Hà Nội đồng ý cho thành lập thêm 10 tổ công tác. Từ đó đến nay, Công an TP có 15 tổ 141 với 150 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kiểm soát. “Thời điểm đó, tôi còn công tác, rất chú trọng lực lượng này, trực tiếp chỉ đạo anh em làm nhiệm vụ. Liên tục lưu ý anh em khi thi hành nhiệm vụ không lạm dụng quyền hạn, tiêu cực. Trước khi bắt đầu triển khai, tôi rất lo lắng, liên tục họp với anh em. Sau một thời gian, thấy rõ ràng được hiệu quả, thu được nhiều vũ khí nóng, vũ khí thô sơ, đồng thời bắt được nhiều đối tượng cộm cán. Số lượng tội phạm, các vụ việc nóng giảm hẳn”, trung tướng Nhanh nói và cho biết khi thấy mô hình 141 hoạt động hiệu quả, Bộ Công an có chủ trương nhân rộng ra nhiều tỉnh, TP. Đã có công an một số tỉnh, thành phố đến trao đổi kinh nghiệm về mô hình lực lượng 141.
Hoạt động vừa bí mật vừa công khai
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.Hà Nội, kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo lực lượng 141, cho biết hoạt động của 141 Hà Nội là kết hợp giữa biện pháp bí mật với biện pháp hành chính công khai. Cụ thể, ban chỉ đạo, tổ giúp việc đã khảo sát, nghiên cứu các tuyến, địa bàn các đối tượng nghi vấn phạm tội thường tham gia giao thông. Trong đó tập trung các tuyến, khu vực, địa bàn giáp ranh, xung quanh các địa bàn công cộng, các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự… để xác định tuyến, địa bàn và khung thời gian bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý. Từ đó, xây dựng các phương án bố trí 141 bảo đảm tính bất ngờ làm cho đối tượng không biết lực lượng này hoạt động như thế nào, luôn cảm thấy lúc nào cũng có 141 làm nhiệm vụ.
Trong một tổ 141 được bố trí làm 3 nhóm. Trinh sát nắm tình hình, phát hiện các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, các đối tượng nghi vấn có dấu hiệu phạm tội, thì sử dụng bộ đàm thông báo cho lực lượng công khai dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý; hỗ trợ lực lượng công khai áp sát, khống chế đối với các trường hợp nghi vấn phạm tội. Lực lượng hỗ trợ, cùng lực lượng công khai chặn bắt các trường hợp vi phạm luật giao thông quay đầu xe bỏ chạy, các trường hợp có dấu hiệu phạm tội, các trường hợp có hành vi chống người thi hành công vụ. Lực lượng kiểm tra, xử lý, trực tiếp nhận thông tin của trinh sát để dừng phương tiện kiểm soát hành chính đối với các trường hợp nghi vấn phạm tội (kiểm tra các nơi cất giấu vũ khí, công cụ hỗ trợ, ma túy...).
Khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội, 141 lập tức khống chế, áp giải về trụ sở cơ quan công an để điều tra, giải quyết. “Số lượng các vụ việc, đối tượng bị bắt, số vũ khí thu được kể từ khi 141 đi vào hoạt động là rất lớn. 141 bước đầu đã đi vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung. Dư luận nhân dân thấy an toàn, yên tâm hơn khi ra đường, nhất là lái xe taxi, những người thường xuyên có hoạt động về đêm, phụ nữ khi ra đường...”, đại tá Thắng nói.
Bình luận (0)