'Hiệp sĩ' Bình Dương được hưởng chế độ như người có công

Đỗ Trường
Đỗ Trường
15/05/2018 08:00 GMT+7

Chiều 14.5, trao đổi với PV Thanh Niên , đại tá Võ Văn Phúc, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết toàn tỉnh hiện nay có 91 CLB phòng chống tội phạm ở 91 xã phường.

Qua tham mưu của Công an Bình Dương, ngày 4.11.2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 34/QĐ-UB ban hành kèm theo Quy chế tổ chức, hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tổ chức CLB phòng chống tội phạm gồm Đội tuyên truyền pháp luật và Đội xung kích phòng chống tội phạm. Trong đó, Đội xung kích phòng chống tội phạm chính là những người tình nguyện tham gia truy bắt các đối tượng phạm pháp hay còn gọi “hiệp sĩ”. Sở Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cấp kinh phí cho các CLB hoạt động (khoảng trên 9,1 tỉ đồng/năm) như tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm...
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã quyết định trang bị 11 xe mô tô hiệu Yamaha Exciter 150cc cho một số CLB ở địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, các thành viên CLB còn được trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao... và được khen thưởng bằng tiền mặt sau những vụ bắt trộm, cướp, được hỗ trợ, thăm hỏi (ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên) khi bị nạn.
Hằng năm, Công an tỉnh Bình Dương mở 2 đợt tập huấn về pháp luật, võ thuật cho các thành viên CLB phòng chống tội phạm. “Theo quyết định của UBND tỉnh thì những trường hợp trong lúc truy bắt các đối tượng phạm pháp gặp tai nạn, thương tích nặng hoặc tử vong sẽ được hưởng chế độ, chính sách như người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ”, đại tá Phúc cho biết.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, sau khi UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 34 kèm theo quy chế hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm, nhiều địa phương trong cả nước trong đó có Công an TP.HCM, Bộ Công an đã đến học tập kinh nghiệm mô hình này.
Cùng ngày, các thành viên trong CLB phòng chống tội phạm Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) và Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An, Bình Dương) đã đến động viên, thăm hỏi sức khỏe, hỗ trợ tiền cho thân nhân gia đình các “hiệp sĩ” Q.Tân Bình (TP.HCM) gặp nạn tối 13.5. Anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa, cho biết sự việc xảy ra đối với các "hiệp sĩ" Q.Tân Bình là hết sức đau buồn, toàn thể thành viên các CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương rất bàng hoàng nhưng không hề chùn bước.
Được thành lập từ năm 1997 ở Bình Dương, đến nay, nhóm "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải đã phát hiện, bắt giữ trên 2.000 vụ phạm pháp giao cho công an xử lý trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản...
2 "hiệp sĩ” đủ điều kiện xét công nhận là liệt sĩ
Ngày 14.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) bị đâm tử vong trong lúc bắt trộm cướp tại TP.HCM tối 13.5 có đủ điều kiện để xem xét công nhận là liệt sĩ.
“Trước đây đã có nhiều trường hợp được công nhận là liệt sĩ khi tham gia phòng chống tội phạm. Trong đó, ngoài lực lượng an ninh, công an, bộ đội, còn có cả người dân hy sinh trong lúc tham gia phòng phống tội phạm. Đối với trường hợp 2 “hiệp sĩ đường phố” tại Q.Tân Bình bị đâm tử vong trong lúc trấn áp tội phạm, chúng tôi đang chờ UBND TP.HCM, nơi xảy ra vụ việc, làm tờ trình đề nghị xét công nhận danh hiệu liệt sĩ. Sau khi thẩm định hồ sơ, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ truy tặng”, ông Kiên nói.
Thu Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.