Từ trăn trở thường ngày của những người đam mê thời trang, thích mua sắm, bất ngờ trước số liệu về rác thải thời trang, 15 nữ sinh viên năm cuối ngành Quản trị thương hiệu, Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật (KHLN&NT), ĐH Quốc gia Hà Nội, đã quyết định xây dựng dự án RE:FABRIC - Tái dệt khuyến khích ưu tiên sản phẩm tái chế, chọn thương hiệu cam kết bảo vệ môi trường thay vì chạy theo xu hướng ngắn hạn.
RE:FABRIC là dự án biến vải vụn, quần áo cũ thành sản phẩm thời trang sáng tạo nhằm mang lại giá trị thẩm mỹ mới
ẢNH: RE:FABRIC
Từ trăn trở cá nhân đến dự án thay đổi môi trường
Sinh viên Lê Thị Hồng Anh (21 tuổi, trưởng ban tổ chức dự án) nói: "Dự án thúc đẩy việc tạo ra sản phẩm mới từ vật liệu cũ giúp kéo dài vòng đời món đồ, giảm rác thải thời trang. Qua đó, chúng tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo, tìm kiếm giải pháp bền vững cho thời trang Việt, hướng tới tương lai, đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Đây vốn là bài tập trong môn thực hành triển khai dự án truyền thông, nhưng chúng tôi mong nó được mở rộng qua nhiều hoạt động khác để nâng cao nhận thức của giới trẻ về thời trang tái chế, bền vững".
Hồng Anh cũng cho biết, RE:FABRIC tổ chức các buổi trò chuyện chuyên sâu với các diễn giả, chuyên gia nhằm thu hút nhà thiết kế (NTK), truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp thời trang bền vững tới giới trẻ.
Đồng thời, tổ chức show diễn thời trang chứng minh tiềm năng sáng tạo của thời trang tái chế, khơi nguồn cảm hứng cho các NTK trẻ biến vật liệu tái chế thành tác phẩm độc đáo.
Sắp tới, RE:FABRIC sẽ kết hợp để tổ chức trải nghiệm thực tế về sản xuất vải bền vững, giúp sinh viên hiểu rõ hơn và phát triển đam mê, định hướng nghề nghiệp theo hướng này.
Là những người trẻ từng mua sắm quần áo, giày dép một cách thiếu kiểm soát, Hồng Anh cũng như các thành viên của dự án hiểu rõ cảm giác bị cuốn theo xu hướng thời trang nhanh, liên tục săn sale và tích trữ những món đồ mà đôi khi chỉ mặc vài lần rồi bỏ xó. Khi phải đối mặt với việc xử lý những món đồ thừa thãi, những nữ sinh viên này mới thực sự nhận ra được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Sinh viên Lê Đặng Thục Hân (trưởng ban đối ngoại của dự án) chia sẻ: "Bắt tay vào tìm hiểu, thu thập số liệu, chúng tôi mới thấy giật mình và nhận thức rõ hơn về tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường".
Khi người trẻ ủng hộ người trẻ…
Dự án nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng, đặc biệt là các bạn gen Z. Các bài viết, hình ảnh về dự án trên các nền tảng nhận được lượng tương tác tốt và nhiều bình luận tích cực. Các hoạt động trong chuỗi dự án thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và thể hiện đa dạng sự sáng tạo.
Đinh Thị Như Quỳnh (20 tuổi, sinh viên Trường KHLN&NT), cho biết: "Tham gia workshop tái chế vải vụn, tôi rất ấn tượng. Tôi học được cách tận dụng những vật liệu cũ, đồng thời nhận ra sức mạnh của sáng tạo trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng".
"Tôi vốn nghĩ việc tái chế là một hoạt động thủ công, nhưng khi được trải nghiệm các workshop, tôi thấy nó có thể trở thành một hình thức nghệ thuật. Các sản phẩm từ vải vụn rất sáng tạo và ẩn chứa những câu chuyện riêng", Ngô Thị Thu Huyền nói tiếp.
Nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh, một trong những diễn giả của dự án, chia sẻ chị rất vui khi được nói về thời trang bền vững và chứng kiến sự năng động, toàn diện của các bạn gen Z. Chị Ngọc Anh cũng hy vọng trải nghiệm và các kinh nghiệm tốt, xấu sau nhiều năm du học, làm việc của ở nước ngoài của mình sẽ giúp các bạn có hành trang vững vàng hơn.
Sau 3 tháng thực hiện, dự án thu gom được hơn 40 kg quần áo cũ để tái chế thành sản phẩm mới và sử dụng trong các workshop sáng tạo, làm hoa trang trí tại sự kiện. Nhiều cá nhân sau khi tham gia đã gửi thêm vải và quần áo cũ về cho dự án để hỗ trợ việc chế tác các sản phẩm tái chế.
ẢNH: RE:FABRIC
Bình luận (0)