15 ngày dầm mình trong mưa lũ để cứu trợ

Hôm nay đã là ngày thứ 15, nhóm thiện nguyện Những bước chân xanh dầm mình trong mưa lũ, từ sáng cho đến tận đêm khuya, và động viên nhau cố gắng tiếp cận, giúp đỡ những người dân vùng sâu.

Nhiều người hỏi tại sao chúng tôi làm không quản ngày đêm, không quản những khó khăn và hiểm nguy trong mưa lũ để cứu trợ người dân? Câu trả lời của chúng tôi đơn giản là vì miền Trung sinh ra chúng tôi sức dài vai rộng, thì chúng tôi trở về gánh vác phụ miền Trung.

Mùa mưa lũ dị thường ở miền Trung: Nỗi thống khổ chưa hồi kết

“Nhà anh mất trắng rồi em ơi !”

Điếng lòng khi giữa biển nước nghe câu nói của người dân: “Nhà anh mất trắng rồi em ơi!”. Đó là những gì đang diễn ra tại vùng chịu ảnh hưởng nặng của Quảng Bình, nước cao kèm theo gió tạo những con sóng mạnh đập liên tục làm sập nhà và ngập tới nóc. Nước hiện tại đã rút bớt gần 2 m nhưng vẫn lút đầu, mọi nơi chỉ di chuyển được bằng thuyền, đặc biệt những vùng sâu phải có cano mới tiếp cận được. Những ngày này là những ngày thật sự vất vả đối với tôi và cả nhóm thiện nguyện, giữa mênh mông biển nước, sóng vỗ liên hồi, đôi lúc phải nhìn cột điện để làm dấu, chuẩn bị tâm lý thoát thân ở nơi nước xiết. Bão tố không ngừng nhưng mọi thứ vẫn rất đẹp, một khi tất cả lương thực tiếp cận được với người dân.
Đã hơn 15 ngày lênh đênh trên sóng nước, tôi cùng bạn bè mang nhu yếu phẩm trao cho người dân miền Trung, mong họ sớm vượt qua khó khăn này. Thức trắng nhiều đêm và nhiều ngày tất bật, mặc dù nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân địa phương và chính quyền, nhưng do lũ lớn và thời tiết đang quá khắc nghiệt nên việc tiếp cận cứu hộ và tiếp tế nhu yếu phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Cầm được trên tay gói mì tôm, người run run chưa kịp nói thành lời đã xé ăn để lấy sức vì quá đói. Những đứa nhỏ ướt mưa người run cầm cập đưa những ánh mắt buồn bã trong mưa. Lũ vẫn vô tình trôi, có nơi cao hơn 3 m cuộn thành sóng, và cano vẫn cố gắng di chuyển để sơ tán người dân.

Lê Quang Long, chủ nhiệm nhóm thiện nguyện Những bước chân xanh, trong những ngày đồng hành cùng người dân miền Trung

ảnh: NVCC

Cái lạnh buốt người trong mưa do mất sức, từ sáng cho đến tối, anh em ăn mì gói sống và động viên nhau cố gắng tiếp cận những vùng sâu đang cô lập vì mưa lũ. Có những lúc nước ngập tới cổ, anh em chúng tôi lại bám víu nhau để vượt qua, đi cho đến khi nước chảy xiết quá thì thôi, có khi đói mà mệt quá ăn không nỗi, thiếu ngủ nên mắt cứ lờ đờ nhưng vẫn gắng gượng vì dân đang chờ mình. Cứ vậy đó, cả nhóm động viên nhau cùng chung sức vì miền Trung ruột thịt.

Xót xa Lệ Thủy đổ nát, tan hoang sau lũ lụt lịch sử trăm năm có một

Chúng tôi phải trở về gánh vác phụ miền Trung

“Nắng thì cháy da/Mưa thì thối đất/Lũ thì tới nóc nhà” là những câu miêu tả đầy đủ về dãy đất miền Trung nắng gió quê tôi.
15 ngày dầm mình trong mưa lũ để cứu trợ2
Mọi việc rồi sẽ trôi qua, dĩ nhiên. Nhưng những xúc cảm và mất mát, bất lực hôm nay còn đọng lại thực sự mang đến rất nhiều điều để suy ngẫm và chạnh lòng.
Một năm quẩn quanh. Bệnh dịch Covid-19 chưa tan thì thiên tai lại tới. Như bao lần, mỗi khi cơn lũ quét qua đều cuốn trôi rất nhiều hy vọng của người dân tại dãy đất miền Trung nắng gió này.
Tôi là một người con miền Trung. Người dân chúng tôi hay nói nhiều về ngày mai. Bởi trong từng cơn tuyệt vọng, chúng tôi đều cố thoát ra để vươn tới những ngày mới tốt đẹp hơn, cố chạm tới những sự đổi khác, sự hồi sinh để tạo dựng lại cuộc sống ôn hòa với vụ mùa bội thu hơn.
Nhưng mỗi năm, ông trời đều thử lòng chúng tôi vài lần. Nếu biết cách nuôi hy vọng thì sẽ không bao giờ thất vọng. Những tang thương mất mát vừa để lại, từ vụ mùa, nông sản, gia cầm đến nhà cửa, người thân... không quá xa lạ với chúng tôi nữa. Đến động vật, gia cầm còn biết nhìn nhau uể oải thì nói gì đến con người, sao có thể tránh khỏi cảm giác bất lực muốn buông xuôi?
Những le lói còn lại về một hy vọng sống tốt, sống an lành chúng tôi vẫn nuôi dưỡng, nhưng đâu đó vẫn không khỏi chạnh lòng. Nước dâng cao. Nước càng dâng càng nóng ruột mà chỉ có thể trân mắt nhìn nhau. Tiếng người gọi, tiếng cano chạy, tiếng sóng vỗ, tiếng gia súc gia cầm kèm theo tiếng mưa tạo nên một bầu không khí hỗn độn lo âu bao trùm. Bước ra thì có thể bị nước cuốn trôi. Ở yên một chỗ thì nhìn những thứ khác, thậm chí là người khác bị cuốn trôi. Có đôi lúc đứng trước những lựa chọn mà không có quyền lựa chọn, cam chịu trôi theo số trời hoặc rủi may, mới chính là ác nghiệt nhất trong đời sống.
Từ thuở nhỏ, tôi đã chứng kiến không ít những trận lụt, mỗi lần là một nỗi ám ảnh sợ hãi không giống nhau. Những ánh mắt đượm màu tuyệt vọng. Những khuôn mặt rầu rĩ lo lắng. Những cái chống cằm bế tắc nhìn nhau. Những cú loay hoay xoay xở giữ được thứ gì hay thứ đó. Chúng tôi đều hiểu có thể trong trường hợp xấu nhất, khi cơn lũ đi qua, chúng tôi đều trở về làm những kẻ trắng tay, làm lại mọi thứ từ đầu.
Miền Trung sinh ra chúng tôi sức dài vai rộng, thì tôi trở về gánh vác phụ miền Trung. Ngày hôm nay trôi qua là một ngày mòn mỏi đến không nghĩ nổi nữa rồi. Rất nhiều người đã bất lực đến mức buông xuôi. Nhưng tôi và chúng ta vẫn ở đây không ngừng cố gắng. Một khi mưa lũ đi qua, chắc chắn sẽ là một sự hồi sinh trở lại. Tin rằng thế vì nơi đây chính là như thế.

Người dân vùng lũ Thừa Thiên-Huế: “Thiệt hại mùa màng ghê gớm quá. Khiếp! Chưa từng thấy”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.