16 đại biểu không đồng ý miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

02/04/2021 15:09 GMT+7

Chiều 2.4, với 438/440 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 của ông Nguyễn Phú Trọng .

Chỉ có 1 đại biểu không tán thành thông qua nghị quyết này và 1 đại biểu không tham gia biểu quyết.
Theo thông tin Thanh Niên có được, khi Quốc hội bỏ phiếu kín, trong số 467 phiếu thu về, có 451 phiếu đồng ý miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 16 phiếu không đồng ý với việc miễn nhiệm kỳ.
Nghị quyết do tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký và có hiệu lực kể từ ngày Quốc hội bầu được tân Chủ tịch nước.

Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Theo dự kiến, tân Chủ tịch nước sẽ được Quốc hội bầu vào sáng 5.4. Nhân sự dự kiến được giới thiệu để Quốc hội bầu làm tân Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hơn 2 năm qua, trong điều kiện cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước.
"Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng trách nhiệm cao cả trước Đảng, nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước".
“Thay mặt Quốc hội, xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng bí thư luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững”, ông Huệ nói.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, năm nay 77 tuổi và là Ủy viên T.Ư từ khóa VII (1.1994), Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII (1999) tới nay.
Ông Trọng tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), sau đó làm việc tại Tạp chí Cộng sản, làm tới chức Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
Tháng 1.1994, sau khi vào T.Ư tại Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, ông Trọng kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau: Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng, tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ năm 2000).
Vào tháng 6.2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội cho tới tháng 7.2011. Từ tháng 1.2011, tại Đại hội XI của Đảng, ông được bầu làm Tổng bí thư và tái đắc cử chức vụ này trong khóa XII (2016).

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Ảnh Gia Hân

Tại Đại hội XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 2 trường hợp "đặc biệt" Bộ Chính trị tái cử T.Ư khóa XIII. Sau đó, ông tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư khóa thứ 3.
Trong nhiệm kỳ khóa XII, ông Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 10.2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Khi được T.Ư giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trọng chia sẻ, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch nước vừa là Chủ tịch Đảng. Tuy nhiên, việc ông Trọng được T.Ư giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thì "không phải vì nhất thể hóa mà đây là tình huống".
Trong báo cáo nhiệm kỳ gửi tới Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua là nhiệm kỳ đặc biệt khi có sự thay đổi về nhân sự. Việc ông Trọng được miễn nhiệm vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội để bầu Chủ tịch nước mới thì nhiệm kỳ này sẽ có tới 3 Chủ tịch nước cùng 1 tháng có Quyền Chủ tịch nước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.