16 năm qua có 5 công dân Việt Nam xin chuyển giao về nước chấp hành án tù

21/12/2024 08:12 GMT+7

Bộ Công an cho biết từ năm 2008 đến nay mới có 5 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài xin chuyển giao về nước để tiếp tục chấp hành án.

Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự án luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Đây là một trong 4 dự án luật được tách ra từ luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Khoan dung, công bằng với công dân lầm lỡ

Theo quy định hiện hành của luật Tương trợ tư pháp, người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài muốn được tiếp nhận về Việt Nam để tiếp tục thi hành án cần đáp ứng 7 điều kiện, trong đó phải "có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam".

Tại dự thảo luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (công bố hồi tháng 7), Bộ Công an đề xuất bãi bỏ điều kiện nêu trên.

16 năm qua có 5 công dân Việt Nam xin chuyển giao về nước chấp hành án tù- Ảnh 1.

Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (ảnh minh họa)

ẢNH: TUYẾN PHAN

Cơ quan soạn thảo cho biết, qua rà soát 22 hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết, chỉ có 1 hiệp định quy định điều kiện về nơi thường trú cuối cùng.

Pháp luật các nước trên thế giới cũng đều không quy định về điều kiện này, thậm chí có quốc gia còn tiếp nhận cả người bị kết án phạt tù không phải là công dân của họ.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về nơi có điều kiện tốt hơn, Bộ Công an đề xuất bỏ quy định phải có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam.

Việc này còn thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong bảo hộ công dân và chính sách khoan dung, công bằng với công dân lầm lỡ, bất kể trong nước hay ngoài nước, có hoặc không có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam.

Không làm tăng đột biến số người xin về nước chấp hành án

Bộ Công an thông tin thêm, từ khi luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực vào năm 2008, đến nay đã 16 năm nhưng mới có 5 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài xin chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án; gồm 4 phạm nhân ở Vương quốc Anh, 1 phạm nhân ở Liên bang Nga.

Số lượng như trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó người bị kết án phạt tù không có nguyện vọng về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án phạt tù, đồng thời việc chuyển giao phải có sự đồng ý của nước chuyển giao và nước nhận.

Vì thế, việc bỏ điều kiện "có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam" sẽ không làm tăng đột biến số công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam tiếp tục chấp hành án.

Căn cứ để xác định tòa án có thẩm quyền xem xét chuyển giao

Mới đây, Bộ Công an công bố bản giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đối với dự thảo luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. 

Bộ Nội vụ dẫn quy định tại dự thảo về việc bỏ điều kiện "phải có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam", nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao.

Nhưng cũng tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất trong văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phải có thông tin "họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam...".

Cho rằng đang có sự khác biệt tồn tại trong cùng dự thảo, Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để quy định cho thống nhất.

Giải trình trước ý kiến trên, Bộ Công an khẳng định 2 nội dung vừa nêu không hề mâu thuẫn. Bởi lẽ, thông tin về nơi trường trú cuối cùng trong văn bản yêu cầu chuyển giao sẽ giúp xác định tòa án nào có thẩm quyền trong việc xem xét yêu cầu chuyển giao.

Tại dự thảo công bố hồi tháng 7, Bộ Công an đề xuất khi tuyên bản án và hình phạt tù, tòa án có trách nhiệm thông báo cho bị cáo là người nước ngoài biết về quyền được chuyển giao.

TAND tối cao cho rằng bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không quy định về việc hội đồng xét xử phải thông báo cho bị cáo về quyền được chuyển giao chấp hành án phạt tù.

Để quy định của dự thảo có thể thực thi trên thực tế thì phải sửa bộ luật Tố tụng hình sự. TAND tối cao đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ điều này.

Giải trình sau đó, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp thu theo hướng bỏ quy định nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.