19 ủy viên T.Ư Đảng, 24 lãnh đạo tỉnh là phụ nữ

Mai Hà
Mai Hà
07/03/2023 19:01 GMT+7

Số lượng cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII có 19 người (chiếm 9,5%). Trong khi nữ lãnh đạo cấp tỉnh có 24/263 người, với 2 nữ chủ tịch UBND và 22 nữ phó chủ tịch UBND tỉnh.

Chiều 7.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan T.Ư và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8.3).

19 Ủy viên T.Ư Đảng, 24 lãnh đạo tỉnh là phụ nữ - Ảnh 1.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (trái) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

NHẬT BẮC

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, công tác cán bộ nữ có sự chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có trình độ ngày càng tăng; độ tuổi của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng trẻ hóa; vị thế của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được khẳng định và ghi nhận không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII có 19 người (chiếm 9,5%). Có 1 nữ ủy viên Bộ Chính trị; 2 cán bộ nữ trong Ban Bí thư; 1 nữ phó chủ tịch nước; 3 nữ bộ trưởng và 1 cán bộ nữ cơ quan thuộc Chính phủ, 10 nữ thứ trưởng và tương đương; 3 nữ ủy viên Ủy Thường vụ Quốc hội và 34 nữ phó chủ nhiệm và ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội. 

Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ, trong đó có 7 nữ bí thư, 15 nữ phó bí thư tỉnh, thành ủy. Ban chấp hành Đảng bộ cấp huyện có 17% nữ.

Tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước, 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV, đạt 30,26% (cao hơn 3,54% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%). Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước). Với tỷ lệ này, Việt Nam nằm trong nhóm 1 các nước đứng đầu thế giới có tỷ lệ nữ tham chính cao.

Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có cán bộ nữ tham gia ban thường vụ với tỷ lệ ở cấp tỉnh thấp nhất là 11,3%, cao nhất là 35%; cấp huyện là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước).

Cùng với sự tiến bộ và phát triển của nữ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học không ngừng phát triển, trưởng thành. Nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực được tôn vinh và trao tặng giải thưởng. Trong đó, Giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, đã được trao cho 21 tập thể và 57 cá nhân.

Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới được xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính. Việt Nam xếp thứ 87/156 quốc gia về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhiều nữ cán bộ được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giữ vị trí trọng trách cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước những năm gần đây, tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Tòng Thị Phóng, bà Bùi Thị Minh Hoài, bà Võ Thị Ánh Xuân…

19 Ủy viên T.Ư Đảng, 24 lãnh đạo tỉnh là phụ nữ - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia, trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho các nhà khoa học nữ có những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc

NHẬT BẮC

Người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại lịch sử hào hùng, tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường của phụ nữ Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu các nước Đông Nam Á, với năng lực, tầm nhìn, tư duy đổi mới. 

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%, tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã phân công bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, giữ chức Thường trực Ban Bí thư, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này.

Dù vậy, theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều tồn tại, như lao động nữ dễ bị tổn thương, bị mất việc làm; việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo đảm nhà trẻ, trường học cho con em công nhân ở các khu công nghiệp còn hạn chế, nhất là việc bảo đảm nhà ở xã hội...

Việc bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ mang tính dài hạn, liên tục, cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và cả xã hội.

Thủ tướng giao các cấp, các ngành triển khai thực chất các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi luật Bình đẳng giới, luật Dân số; hướng dẫn thi hành luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.

Đồng thời, quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.