Vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter, Klebsiella là các loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm, có khả năng gây bội nhiễm ở phổi, máu và nhiều cơ quan nội tạng khác, việc điều trị hết sức khó khăn. Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa Acinetobacter, Klebsiella vào danh sách các loại vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe con người. Theo khuyến cáo của WHO, việc cơ thể người bệnh kháng thuốc cũng có nguyên nhân do lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Do đó, để giải quyết tình trạng kháng thuốc, WHO kêu gọi các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh và chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp cần thiết ở cả người và động vật. |
2 siêu vi khuẩn kháng thuốc 'tấn công' bé trai khiến bé nguy kịch
04/08/2018 14:52 GMT+7
Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi phải, nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm huyết, rò thực quản màng phổi.
Ngày 4.8, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM cho biết BV này vừa tiếp nhận bé N.T.N.Y (10 tháng tuổi, ngụ An Giang) trong tình trạng bệnh rất nặng, phải thở máy.
10 ngày trước, bé sốt cao, ho, được điều trị kháng sinh tại BV địa phương. Tuy nhiên, sau đó bé vẫn sốt cao liên tục, thở mệt hơn, tràn mủ màng phổi. Bé được đặt nội khí quản giúp thở, dẫn lưu màng phổi và chuyển đến BV Nhi đồng TP.
Tại BV Nhi đồng TP, kết quả xét nghiệm, siêu âm ngực và chụp CT scanner ngực cho thấy khoang màng phổi bệnh nhi có lớp dịch dầy 14 mm, dịch dẫn lưu được chọc hút đi xét nghiệm thấy lợn cợn mủ và nhầy trắng đục như súp cua, ghi nhận có sự thông thương đường tiêu hoá và màng phổi.
Kết quả chụp phim thực quản cho thấy có đường rò thực quản vào khoang màng phổi phải. Tổng trạng bệnh nhi rất xấu, nhiễm trùng nặng.
Điều làm các bác sĩ bất ngờ là kết quả nuôi cấy, xét nghiệm dịch màng phổi của bé đều ra dương tính với 2 loại siêu vi khuẩn đa kháng: Acinetobacter Baumanii và Klebsiella Pneumoniae - kháng với tất cả các đĩa kháng sinh nuôi cấy.
Ngoài ra, bé cũng nhiễm trùng huyết và nhiễm nấm huyết nặng.
Do bé sốt kéo dài, tổng trạng xấu, nhiễm trùng toàn thân nặng, nếu để lâu sẽ nguy cơ rò thủng thực quản nhiễm trùng, nhiễm độc lan toả trung thất nguy hiểm đến tính mạng, nên bé được hội chẩn quyết định phẫu thuật cấp cứu.
Kết quả phẫu thuật cho thấy bé bị thủng 1/3 đoạn thực quản dưới, có rò màng phổi thực quản. Các bác sĩ nhanh chóng cắt đoạn thủng và nối lại, đồng thời, mở dạ dày tạm ra da cho bé, rửa và dẫn lưu tháo mủ khoang màng phổi bên phải, sinh thiết mô bệnh gửi giải phẫu bệnh lý.
Sau phẫu thuật bé tiếp tục được hồi sức tích cực, dùng kháng sinh phổ rộng bao vây, kháng nấm, nằm phòng cách ly và hạn chế nhiễm trùng tối đa.
Hiện sức khỏe bé đã cải thiện.
Bình luận (0)