Liên tiếp các ca bị chó cắn, có ca tử vong

04/08/2018 05:50 GMT+7

Một số bệnh viện tại Hà Nội gần đây liên tiếp tiếp nhận các nạn nhân bị chó cắn do vết thương lớn, thậm chí đã có ca tử vong.

Tấn công “người thân”
Bệnh nhân nam (7 tuổi, ngụ H.Chương Mỹ, Hà Nội) đang trong quá trình điều trị tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ Bệnh viện (BV) hữu nghị Việt Đức do bị rách một phần môi phải.
Ths-BS Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ, cho biết bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn đứt rời phần môi phải, vào viện với nhiều vết thương vùng mặt, khuyết 1/2 môi trên (phần dính sát liền mũi phải) kèm theo vết thương sâu vùng môi dưới phải. Phần môi trên đứt rời kích thước lớn 2 x 2 cm.
“Do tổn thương quá dập nát nên phần môi bị cắn rời không có khả năng nối vi phẫu nối lại môi cho bệnh nhân. Tổn thương ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ, tiên lượng kém, phẫu thuật tạo hình nhiều lần. Tuy nhiên, kết quả sẽ không bao giờ trở về như trước được”, bác sĩ chia sẻ. Bác sĩ cũng lưu ý môi đứt rời của bệnh nhi trên đã không được bảo quản đúng cách. Trong trường hợp này cần cho phần môi đứt rời vào túi ni lông sạch cùng ít nước sạch, quấn chặt miệng túi và đặt vào thùng nước đá.
Cũng tại BV hữu nghị Việt Đức, một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (88 tuổi, ở H.Đông Anh, Hà Nội) được chuyển đến điều trị tại khoa phẫu thuật chấn thương chung do bị chó cắn. “Trên đường đi mua thuốc cảm cúm về, bà bị con chó to của hàng xóm chạy ra xô ngã, cắn vào tay”, cháu nội bệnh nhân thuật lại. Bệnh nhân bị vết thương lóc da bàn tay và phần mềm các ngón trên 2 bàn tay. “Vào viện, bệnh nhân được tiêm phòng uốn ván, cấp cứu mổ, cắt lọc khâu vết thương”, Ths-BS Đặng Trung Kiên, khoa phẫu thuật chấn thương chung, cho biết.
Khoảng một tháng trước khi tiếp nhận bệnh nhân 88 tuổi này, khoa phẫu thuật Chấn thương chung cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam bị chó cắn gây vết thương sâu trên bàn tay và cổ chân.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình có vật nuôi (chó) cùng với việc cho tiêm phòng đầy đủ, cần có biện pháp quản lý vật nuôi an toàn cho người dân.
“Thực tế nhiều người cũng bị vật nuôi (chó) nhà cắn gây tổn thương rất nặng. Mới đây bé gái 8 tháng tuổi ở Q.Ba Đình (Hà Nội) đã tử vong do sốc mất nhiều máu sau khi bị chó ngao của nhà tấn công”, các bác sĩ lo ngại.
Luôn giữ khoảng cách an toàn
Các bác sĩ Khoa Tạo hình - Sọ mặt, BV Nhi T.Ư hồi tháng 5 vừa qua cũng tiếp nhận điều trị một bé trai (2 tuổi, ở H.Ba Vì, Hà Nội) bị chó cắn gây dập nát, tổn thương phức tạp vùng hàm mặt và nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, ống tuyến nước bọt…
Trước đó, trong khi đang chơi với đàn chó con ở nhà thì bé trai bị chó mẹ tấn công. Trước bé trai này, BV Nhi T.Ư cũng tiếp nhận điều trị cho cháu N. (18 tháng tuổi, ở H.Đông Anh, Hà Nội) bị chó cắn vào vùng hàm mặt. Dù mẹ của bé chứng kiến lúc đó và đã cố kéo con ra nhưng trẻ vẫn bị tổn thương nặng nề.
Mỗi năm, riêng tại khoa tạo hình - sọ mặt tiếp nhận và phẫu thuật 10 - 15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt. Các gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo.
“Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương…; chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắc xin ngừa bệnh dại định kỳ”, các bác sĩ khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.