2 tháng vượt qua hậu Covid-19: 'Tăng đề kháng, tập luyện đã giúp tôi hồi phục'

Lê Cầm
Lê Cầm
13/04/2022 09:15 GMT+7

Sau khi khỏi Covid-19 vào cuối tháng 1.2022, Thân Dạ Cẩm Ly, 31 tuổi (ở Hà Nội) háo hức bước ra ngoài đi bộ hít thở khí trời, nhưng đi được 10 phút, Ly bắt đầu thở dốc và tức ngực.

Tức ngực, khó thở, mất ngủ hậu Covid-19

Giữa tháng 1.2022, cảm giác người mệt mỏi, chảy nước mũi nên Cẩm Ly test nhanh Covid-19, kết quả 2 vạch. Do đã tiêm 2 mũi vắc xin nên Ly chỉ sốt nhẹ, rát họng, đau mỏi cơ, buồn ngủ... 5 ngày sau, Ly test lại và có kết quả âm tính, Ly tự theo dõi tại nhà, cách ly đủ 14 ngày.

Tuy nhiên, sau đó Ly phải vật lộn với các triệu chứng trong giai đoạn hậu Covid-19. Chị luôn cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi, khó thở khi đi bộ, tức ngực và đặc biệt là mất ngủ vào mỗi tối.

"Cứ nghĩ âm tính Covid-19 là có thể trở lại bình thường nhưng các di chứng Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Mỗi tối tôi phải trằn trọc đến 3-4 giờ sáng, đọc sách, coi báo, nghe nhạc không lời vẫn không ngủ được. Người luôn uể oải mệt mỏi", chị Ly nói.

Công việc cần phải di chuyển nhiều nhưng triệu chứng tức ngực khó thở khiến chị yếu hơn, phải ở nhà. "Nếu càng ở nhà nằm một chỗ thì chắc chắn mình sẽ yếu hơn nữa. Phải tự cứu lấy mình", Ly nhớ lại.

Cách phòng dịch Covid-19 khi trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp

Tăng cường dinh dưỡng, tập luyện mỗi ngày

Từ một người thường xuyên ăn ngoài, sử dụng thức ăn nhanh, sinh hoạt thất thường theo tiến độ công việc, Ly thay đổi chế độ sinh hoạt và nấu ăn tại nhà.

"Khi nấu ăn tại nhà bạn sẽ cân bằng được dinh dưỡng, ăn đa dạng đủ các nhóm chất. Mỗi bữa ăn của tôi luôn đủ 4 nhóm chất đạm, bột đường, vitamin khoáng chất và chất béo. Trong đó các loại trái cây giàu vitamin C và rau củ luôn được ưu tiên để tăng cường đề kháng", Ly chia sẻ

Một bữa ăn của chị Ly trong giai đoạn hậu Covid-19 với đa dạng các nhóm chất

nvcc

Ngoài việc tăng cường dinh dưỡng trong các bữa ăn, chị Ly còn chú trọng tăng đề kháng với các thảo dược tự nhiên. Chị sử dụng mật ong pha nước ấm, kèm chanh tươi để uống vào buổi sáng, sau mỗi bữa ăn chị uống thêm dầu tỏi để tốt cho tiêu hóa và miễn dịch. Buổi tối trước khi đi ngủ chị ngâm chân với hỗn hợp nước ấm gồm gừng, chanh, sả, muối để thư giãn, thải độc và giúp máu huyết lưu thông sau một ngày mệt mỏi.

Tuy đi bộ khoảng 10 phút là mệt nhưng việc tập luyện là một mấu chốt được Cẩm Ly duy trì. Chị tập các bài tập thở phục hồi phổi theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, mỗi sáng, chị lựa chọn các cung đường nhiều cây xanh để tập đi bộ và thực hành hít thở sâu.

Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan

"Điều này nói thì nghe dễ nhưng chính bản thân tôi hay những người bạn xung quanh khi mắc Covid-19, hậu Covid-19 đều rất dễ rơi vào stress. Người mệt mỏi, công việc ảnh hưởng và không biết khi nào thì khỏi, mọi thứ rất mông lung, nhưng càng stress thì sẽ càng khiến bệnh nặng hơn", Ly tâm sự.

Để giữ được tinh thần thoải mái, luôn vui vẻ, Ly cho biết chị đi picnic cùng bạn bè, nói chuyện với những người có năng lượng tích cực, lựa chọn các kênh giải trí lành mạnh...

Cẩm Ly thường xuyên đi bộ để tăng thể lực, lựa chọn những cung đường đẹp nhiều cây xanh để hít thở khí trời vào cuối tuần, giữ tinh thần thư thái

NVCC

"Sau khi tăng cường dinh dưỡng và giữ tinh thần thoải mái vui vẻ, sau 4 tuần, chất lượng giấc ngủ cải thiện, tôi bắt đầu đi ngủ sớm hơn, thức dậy sảng khoái hơn. Sau 8 tuần thì các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt mỏi hầu như không còn, tôi trở lại trạng thái bình thường", chị Ly chia sẻ.


Tập thể dục thế nào để tăng miễn dịch?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, chia sẻ, lười vận động không chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải mà còn làm yếu đi hệ miễn dịch và sức đề kháng. Ngược lại, vận động phù hợp cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.

Các nghiên cứu cho thấy tập luyện thể lực đều đặn với cường độ trung bình trong thời gian từ trên 30 phút mỗi ngày sẽ làm tăng đáng kể nồng độ IgA, các globulin miễn dịch khác, các tế bào lympho (NK) và các đại thực bào. Đối với người cao tuổi, hoạt động thế chất phù hợp đều đặn có tác dụng hạn chế suy giảm miễn dịch do quá trình lão hóa của cơ thể.

Với đặc điểm hình thể, sức khỏe, tình trạng bệnh tật của mỗi người cũng như điều kiện hoàn cảnh môi trường, xã hội có thể lựa chọn các hoạt động thể chất đơn giản tại nhà như các bài tập thở, tập yoga, đi bộ, lên xuống cầu thang, nhảy dây, đạp xe tại chỗ, yoga - khí công, dưỡng sinh… Trong điều kiện hiện nay có thể đến phòng gym, trung tâm thể dục thể thao, tuy nhiên cần chú ý an toàn phòng bệnh nơi đông người.

Thời gian tập từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Cần tập luyện đều đặn mỗi ngày, thường xuyên liên tục. Chú ý an toàn khi tập luyện, tập các bài tập vừa sức, nên ngưng khi thấy mệt hoặc các dấu hiệu bất thường.

Bên cạnh dinh dưỡng và vận động, cần chú ý ngủ đủ giấc, khi thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn, một giấc ngủ sâu và đủ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người.

Cần kiểm soát căng thẳng, khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng hơn, bao gồm tim mạch và tăng huyết áp.

"Cố gắng sống lạc quan vì điều này sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, bảo vệ toàn diện cơ thể khỏi các căn bệnh một cách tự nhiên mà không cần dùng đến bất kỳ loại thuốc nào", bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.