Chương trình do Liên đoàn Lao động, Quận đoàn Bình Tân và Hội LHPN Q.Bình Tân tổ chức. Trong không khí trang trọng, ấm cúng, các cặp đôi thực hiện các nghi thức hôn lễ truyền thống như trao nhẫn, cắt bánh, uống rượu giao bôi…Nhiều người chia sẻ rằng trước đây, họ chưa từng nghĩ vợ chồng sẽ có ngày hạnh phúc này.
"Hợp thức hóa" tình yêu
Đối với các cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn, được khoác lên mình trang phục đám cưới, nắm tay vào lễ đường là một giấc mơ xa vời. Họ vẫn sống cùng nhau nhưng vì cuộc sống mưu sinh còn nhiều lo toan, không đủ kinh tế nên đám cưới chưa được tổ chức.
Vợ chồng ông Trịnh Đình Bính (47 tuổi) và bà Trịnh Thị Thủy (46 tuổi) là một trong những cặp đôi lớn tuổi nhất trong đám cưới tập thể này. Cả hai sống với nhau được 23 năm, đã có hai người con trai nhưng vẫn chưa tổ chức đám cưới do kinh tế eo hẹp. Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Bính cho biết, hồi trước hai bên gia đình chỉ làm mâm cơm nhỏ để ra mắt, báo với tổ tiên và bà con làng xóm.
"Vợ tôi chưa từng mặc váy cưới, tôi biết đó là ước mơ của cô ấy. Đến tuổi này, khi may mắn được mọi người hỗ trợ, vợ chồng tôi cũng có được đám cưới trọn vẹn. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng cả hai luôn đồng hành, chia sẻ với nhau", ông Bính xúc động.
Khoảnh khắc bước ra từ phòng trang điểm với bộ váy cưới, thấy chồng và hai con trai đứng chờ, bà Thủy đã rơi nước mắt vì hạnh phúc. Người phụ nữ đã bước qua tuổi 40, chưa một lần "đòi hỏi" chồng tổ chức đám cưới. Bà luôn tự hào về gia đình, về người chồng có tấm lòng lương thiện.
"Ông ấy tốt bụng, dù làm tài xế vất vả nhưng nhặt được của rơi sẽ tìm đến tận nhà người mất để trả lại. Ông xã đã từng cứu một người nước ngoài gặp tai nạn giao thông thoát chết trong gang tấc. Tôi rất thương và tự hào, thấy đúng khi chọn anh làm chồng", bà Thủy chia sẻ.
Anh Nguyễn Lê Trung Hiếu (Bí thư Quận đoàn Bình Tân) cho biết: "Thông qua lễ cưới tập thể, chúng tôi mong hợp thức hóa tình yêu cho các cặp đôi khó khăn trên địa bàn. Đây cũng là dịp để cô dâu, chú rể ôn lại kỷ niệm, tạo động lực để họ cố gắng hơn trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Ngày trọng đại đến muộn...
Mỗi một cặp đôi trong lễ cưới tập thể lần này đều có những câu chuyện tình yêu đặc biệt. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn bên nhau, chia sẻ với nhau, trở thành những người bạn, người tri kỉ. Ngày vui dù đến muộn nhưng cũng không làm giảm đi niềm vui, niềm hạnh phúc của cô dâu, chú rể.
Vợ chồng chị Bùi Thị Hồng Nhi (34 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) không khỏi xúc động khi thấy người thân bế đứa con 3 tháng của anh chị trong đám cưới. Quen biết anh Lê Thanh Tuấn (25 tuổi) trong mùa dịch Covid-19, tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái ngay trong chính hoàn cảnh đặc biệt nhất.
Vợ lớn hơn chồng 10 tuổi, hai anh chị cũng gặp không ít khó khăn, lời dèm pha từ bên ngoài. Chị Nhi nói rằng, anh Tuấn dù nhỏ tuổi hơn nhưng rất chín chắn, trưởng thành, luôn hết mực quan tâm, lo lắng cho vợ con.
Chị kể, khoảnh khắc vượt cạn, nằm trong phòng mổ, chị đã nghĩ mình không thể gặp lại chồng và con. Chị sinh khó, mất máu nhiều và tim đã có dấu hiệu ngừng đập. Nhưng trong giây phút sinh tử ấy, anh Tuấn cạnh bên ủng hộ, khích lệ tinh thần để chị vượt cạn thành công.
"Lúc nằm trong phòng hồi sức, anh ấy nói, giờ có ai cho 100 cây vàng cũng không để vợ sinh con lần nữa", người vợ rơi nước mắt.
Anh Tuấn cho hay, bản thân anh chưa bao giờ để tâm đến chuyện tuổi tác. Ấn tượng ban đầu về vợ là người hiền hậu, có hiếu, anh thương từ lúc nào không hay.
"Khi nhận phải sự phản đối của gia đình, tôi đã khẳng định rằng sẽ không bao giờ để vợ con phải khổ. Đến thời điểm này, tôi luôn ý thức và cố gắng để thực hiện lời hứa đó", anh bộc bạch.
Mong rằng đám cưới tập thể sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho tất cả các cặp đôi, giúp họ vững tin vào chính tình yêu của mình.
Bình luận (0)