20 năm sau khi đưa quân vào Iraq, Mỹ chật vật với hậu quả

20 năm sau khi đưa quân vào Iraq, Mỹ chật vật với hậu quả

La Vi: Biên tập, dựng (Video trên 3p). Quỳnh Phương: Đọc.
19/03/2023 08:22 GMT+7

Đó là một cuộc chiến được phát động trên cơ sở kém thuyết phục, sau khi nước Mỹ rung chuyển bởi vụ tấn công 11.9.

Và 20 năm sau khi đưa quân vào Iraq, Mỹ vẫn đang giải quyết hậu quả của quyết định này và tìm câu trả lời cho cuộc tranh luận về việc ai phải chịu trách nhiệm.

Mỹ vật lộn với cuộc xung đột tại Iraq suốt 20 năm  - Ảnh 1.

Một chiếc xe bốc cháy sau một cuộc tấn công ở thị trấn Falluja, Iraq hồi 2004

REUTERS

Từ một Iran củng cố sức mạnh và làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông, đến cuộc chiến đang diễn ra chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, các chuyên gia cho rằng cái giá phải trả cho sự can dự của Mỹ vào Iraq kể từ năm 2005 là rất lớn; và cuối cùng đã tạo điều kiện cho xung đột sắc tộc nảy nở và làm phức tạp chính sách Mỹ trong khu vực.

Vào đầu năm 2003, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush đã đưa ra quyết định lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein bằng vũ lực - một động thái được Thứ trưởng Ngoại giao khi đó là ông John Bolton ủng hộ, với niềm tin là Iraq đang chứa chấp vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ông Bolton hôm 24.1.2003 nói: "Chúng tôi có bằng chứng rất thuyết phục rằng Iraq duy trì một chương trình rộng lớn để sản xuất và vũ khí hóa vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo tầm xa, vốn đã bị cấm kể từ thời điểm có nghị quyết 687 về ngừng bắn trong Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991".

Tuy nhiên, không có vũ khí nào như Mỹ mô tả được tìm thấy và ngay sau cuộc lật đổ ông Saddam, đất nước bùng nổ những hỗn loạn dữ dội. Nhưng khi nhìn lại, ông Bolton vẫn cho rằng bất chấp những sai lầm của Washington, ông tin việc loại bỏ cựu Tổng thống Saddam là quyết định hợp lý.

"Quyết định đó là xứng đáng, vì không chỉ đơn giản là 'ông Saddam có đặt ra mối đe dọa vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2003 không?' mà còn có một câu hỏi khác là 'Liệu ông ta có đặt ra mối đe dọa vũ khí hủy diệt hàng loạt vào 5 năm sau không?'. Tôi nghĩ câu trả lời rõ ràng là có", ông Bolton nhấn mạnh.

Iraq ám ảnh với cuộc tìm kiếm người mất tích sau hàng chục năm xung đột

Theo cách diễn giải của ông Bolton, động thái mang lại nhiều hậu quả nhất là quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Iraq vào năm 2011 của tổng thống lúc bấy giờ là ông Barack Obama.

"Và sau đó để ông Obama rút quân, bất ngờ cắt hỗ trợ họ", ông Bolton nói.

Sau nhiều năm bất ổn, cuộc rút quân đã nhanh chóng để lại một khoảng trống và được các tay súng IS lấp đầy. Lực lượng này đã chiếm khoảng 1/3 Iraq và Syria, đồng thời làm dấy lên nỗi sợ hãi khắp các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh rằng họ không thể trông cậy vào Mỹ nữa.

Ông Jim Steinberg, cựu Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama, nói rằng chính quyền khi đó gần như không còn lựa chọn nào ngoài việc rút quân vì chính quyền Iraq chống đối việc lính Mỹ trú đóng ở lại đây.

"Lúc đó không có lựa chọn nào thực sự có ý nghĩa để quân Mỹ ở lại, trừ khi quân Mỹ ở lại mà không có sự hỗ trợ của chính phủ", ông Steinberg nói.

Ông Steinberg cho biết chính bản thân cuộc chiến - chứ không phải cuộc rút quân năm 2011 - đã đặt ra những câu hỏi sâu sắc về độ tin cậy của Washington với tư cách là một đối tác: "Chúng ta mang tiếng là những người chỉ phá chứ không sửa. Và điều đó rất nguy hiểm bởi vì khi bạn ở trong khu vực và bạn phải chịu chấp nhận vấn đề này, khi người Mỹ thỉnh thoảng lại đến và cố gắng làm cho mọi chuyên diễn ra đúng ý họ, nhưng rồi cuối cùng thì lại rút đi... câu hỏi đặt ra là liệu mọi người có bị thiệt vì cả hai quyết định - can thiệp và sau đó là rút lui - nhiều hơn là so với nếu Mỹ chưa bao giờ can thiệp vào đó".

Niềm tin của ông Bolton - rằng việc can thiệp và loại bỏ ông Saddam là xứng đáng với những cái giá mà Washington phải trả - lại không được nhiều quan chức hiện tại và trước đây... ngay cả trong đảng Cộng hòa chia sẻ.

Theo dự án "Chi phí chiến tranh" tại Đại học Brown, cho đến nay, Mỹ phải chi gần 2 nghìn tỉ USD cho các cuộc chiến ở Iraq và Syria, với hơn 500.000 người thiệt mạng do chiến sự, bao gồm quân đội, cảnh sát, tay súng đối lập, phóng viên và dân thường ở Iraq và Syria.

Vụ phục kích Falluja tác động ra sao đến cuộc chiến ở Iraq?

Cựu Tổng thống Obama vào năm 2014 đã điều quân quay lại Iraq, và hiện Mỹ vẫn duy trì ở đây khoảng 2.500 binh sĩ. Và vào năm 2015, ông Obama đã triển khai quân đội đến Syria, nơi hiện có khoảng 900 binh sĩ. Hiện nay, lực lượng Mỹ ở cả hai nước này vẫn chiến đấu chống lại các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm cực đoan đang hoạt động từ Bắc Phi đến Afghanistan.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 8.6.2002 tuyên bố: "Chúng ta có thể thắng cuộc chiến chống khủng bố".

Hàng chục năm xung đột tiếp theo là điều chẳng ai hình dung ra ở thời điểm sục sôi lật đổ một nhà lãnh đạo Iraq.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.