Bộ Quốc phòng Nga nói trong số 6 tên lửa ATACMS, hai quả đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir bắn hạ, số còn lại bị phá hủy bằng tác chiến điện tử.
Bộ Quốc phòng cho biết nơi bị tấn công là sân bay quân sự Taganrog ở vùng Rostov, và tuyên bố Nga sẽ có đáp trả tương xứng.
Một quan chức Mỹ hôm 11.12 xác nhận Nga có thể phóng một tên lửa đạn đạo bội siêu thanh nữa vào Ukraine trong những ngày tới, nhưng Washington không coi Oreshnik là vũ khí thay đổi cuộc chơi trong chiến tranh.
Sau khi được chính quyền của Tổng thống Joe Biden chấp thuận, Ukraine đã tấn công sâu vào đất Nga bằng 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào ngày 19.11 và bằng tên lửa Storm Shadow của Anh cũng như HIMARS do Mỹ sản xuất vào ngày 21.11.
Đến ngày 21.11, Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo bội siêu thanh tầm trung mới có tên gọi “Oreshnik”. Tổng thống Vladimir Putin sau đó cho biết đó là phản ứng của Nga nhằm đáp trả trực tiếp các cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa của Mỹ và Anh.
Ông Putin nói cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu sau khi Mỹ và Anh cho phép Ukraine tấn công sâu vào đất Nga Nga bằng vũ khí viện trợ. Ông cảnh báo Moscow có thể đáp trả phương Tây.
Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn mà một số quan chức Nga và phương Tây cho rằng có thể là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất, khi lực lượng Moscow đang có những bước tiến nhanh nhất tình từ những tuần đầu của cuộc xung đột hồi cuối tháng 2.2022.
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trở nên không chắc chắn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1.2025 sắp tới, đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn và đàm phán để chấm dứt xung đột nhanh chóng.
Đến nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong quan hệ giữa Moscow và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Bình luận (0)