Bản chế Kachiusa hoa đào "mở hàng"
"Đi lên" từ Gặp nhau cuối tuần, chương trình Gặp nhau cuối năm có các diễn viên hài sẵn sàng hát để khán giả cười. Trong số đầu tiên 2003, có hai kiểu hát chế gây cười.
Kiểu thứ nhất, diễn viên hài vừa có hành động gây cười vừa hát một bài hát trọn vẹn, chỉ chế 1 - 2 câu. Trong số này, Xuân Bắc - Tự Long trở thành hai ca sĩ bất đắc dĩ hát Ngẫu hứng ngựa ô. Tất nhiên, chất lượng âm nhạc của tiết mục chỉ ở hạng trung. Tuy nhiên, những biểu cảm kiểu vờ cưỡi ngựa, những màn hí vang, rượt đuổi của cặp diễn viên rất vui. Bài hát bị hát chệch câu "Ngựa anh đá đít nàng" nhưng hiệu ứng của câu này không cao bằng việc phi ngựa tưng bừng của hai diễn viên.
Kiểu thứ hai, chế cả đoạn bài hát với phần giai điệu quan trọng. Trong số năm 2003, Quốc Trượng - Vân Dung - Quang Thắng cùng hát nhạc chế Kachiusa trên nền này. Kachiusa là một bài hát thân thuộc với những người sống qua thời bao cấp. Món quà từ văn hóa Nga này đã xuất hiện từ số đầu tiên Gặp nhau cuối năm qua sự thể hiện của Quốc Trượng - Vân Dung - Quang Thắng. Trong đó, Vân Dung - Quang Thắng mặc trang phục Nga nhảy múa và hát. Bài nhạc chế có đoạn: "Đào vừa ra hoa, người ta mới gọi là hoa đào. Cầu vừa xây xong, người ta mới gọi là cây cầu…".
Thời điểm 2003, bản chế "đào vừa ra hoa, người ta mới gọi là hoa đào" được hát ở nhiều nơi, với nhiều dị bản khác nhau. Các bản chế này thường được hát trong các cuộc vui bạn bè. Việc xuất hiện trên Gặp nhau cuối năm đánh dấu việc một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian lên sóng truyền hình. Bên cạnh đó, nó cũng là một tác phẩm phái sinh với lời được đặt mới. Theo pháp luật về bản quyền hiện nay, để đặt lời mới và biểu diễn như vậy, cần phải xin phép và trả tiền bản quyền. Mặc dù vậy, phải tới năm 2004, Việt Nam mới tham gia Công ước Berne về sở hữu trí tuệ. Chính vì thế, các vấn đề pháp luật như xin phép, trả tiền tác quyền chưa được đặt ra.
"Hàng đặt" và Táo Nhạc chế
Việc sử dụng nhạc chế được tiếp tục ở những số Gặp nhau cuối năm tiếp theo. Càng ngày, các sáng tạo nhạc chế càng dài hơn về thời gian, trọn vẹn hơn về nội dung. Sự trọn vẹn về nội dung được đặt trong tương quan với toàn bộ chương trình, toàn bộ vấn đề "nóng" mà chương trình muốn chuyển tải.
Một trong những bài nhạc chế "10 điểm không có nhưng" là bản chế bài Từ một ngã tư đường phố trong Táo quân - Gặp nhau cuối năm 2009. Bài hát này được chế thành Lụt từ ngã tư đường phố để phản ánh về một năm với những trận ngập kinh người kéo dài, các gia đình ai ai cũng phải tích hàng tiêu dùng. Âm nhạc quen thuộc, lời hát ẩn giấu giễu nhại được các táo hát với cách thể hiện vui vẻ, nhẹ nhõm. Cũng trong chương trình năm 2009 này còn có bản chế bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa cùng đề tài ngập lụt, và Tự Long vào vai Táo Thoát nước trong chương trình.
Bài nhạc mở đầu bằng chia sẻ về trải nghiệm ngập lụt: "Nhờ trời cứ mưa chẳng ngớt. Làm phố tôi nay ngập lụt. Khi lúc tan tầm người và xe nối nhau bơi trên đường. Nhìn cảnh toàn dân bơi lội cứ như hội thi…". Sau đó, việc ngập được phát triển thành "hậu quả": "Tràn ngập khắp phố thuyền ghe lướt trôi êm đềm. Đèn dầu ta không lo cắt điện suốt bao ngày đêm".
Bài hát cũng nhắc tới việc toàn dân tích đồ trong tủ lạnh giúp siêu thị trúng lớn: "Đài dự báo 3 ngày tới, sẽ có mưa rơi khắp trời nên khiến bao người ngẩng đầu lên ngắm mây ngóng đợi, mà sao nắng lại le lói sáng trong hàng cây. Tại dự báo láo làm tăng lãi cho siêu thị, tưởng trời còn mưa to thiên hạ tích thêm đồ ăn…". Một bản nhạc chế với phần lời được phát triển có lớp lang, cao trào và cân đối giữa phê phán - lạc quan.
Những bài hát này sau đó còn được tách riêng thành những "single" hay sưu tập riêng trên mạng để người xem tìm cho dễ. Trên kênh YouTube của VTV24 đã có những clip Nhạc chế Táo quân bất hủ giới thiệu những bài hát thú vị của chương trình. Có thể thấy, để có những phần âm nhạc ăn ý như thế với thoại, với đề tài phản ánh, những bài hát chế này đã được "đặt hàng" cẩn thận, với những "nghệ nhân" làm hàng giỏi nghề.
Những bài hát được chọn để chế đều là những bài hát có giai điệu quen thuộc, được nhiều người biết tới. Có bài hát đã đi qua nhiều thế hệ như Từ một ngã tư đường phố, Tôi người lái xe, Money (ABBA)… Có bản hit mới như Ngõ vắng xôn xao, Ước gì, Trái tim không ngủ yên… Phần nhạc chế có thể là một bài hát trọn vẹn, hoặc có thể trở thành một phần đối đáp của các nhân vật Táo quân. Các làn điệu âm nhạc truyền thống cũng được đưa vào viết lời mới để hát trong Táo quân. Một trong những lần như thế, Bắc Đẩu hát: "Một em nhớ không đẻ con dày, hai em nhớ đặt vòng…" với âm hưởng quan họ Mười nhớ.
Sau 20 năm biểu diễn nhạc chế không mệt mỏi, Tự Long có thể tự hào trở thành Táo quân hát nhạc chế hay nhất, uyển chuyển nhất, "cân" được nhiều thể loại âm nhạc nhất. Có thể coi Tự Long là "Táo Nhạc chế". Vị Táo quân này diễn vai nào cũng tốt, tuy nhiên lại không đóng đinh với vai nào do được "thuyên chuyển" công tác liên tục. Bù lại, Tự Long hát rất tốt và gánh những phần hát nhiều, khó, đủ để trở thành "Táo Nhạc chế".
Nhìn lại 20 năm Táo quân, có thể thấy dàn diễn viên Táo quân thế hệ vàng gồm những cái tên: Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Chí Trung, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Minh Hằng. Trong số này, có những người có mặt từ đầu đến cuối như Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung. Họ là những người tham gia Táo quân nhiều nhất.
Nghệ sĩ Quốc Khánh từ khi xuất hiện với vai Ngọc Hoàng đã không hề vắng mặt ở một số Táo quân - Gặp nhau cuối năm nào, nhưng vai Ngọc Hoàng đầu tiên lại không thuộc về ông. Người đầu tiên làm Ngọc Hoàng là nghệ sĩ Quốc Trượng.
Cũng có nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng tham gia chương trình nhưng không có được bề dày với Gặp nhau cuối năm như nhóm Táo quân thế hệ vàng trên. Đó là Bảo Quốc, Hồng Vân, Việt Hương, Minh Nhí, Anh Vũ ở phía Nam. Ở miền Bắc, đó là những nghệ sĩ Quốc Trượng, Minh Vượng, Văn Hiệp, Thành Trung, Hiệp Gà.
Bình luận (0)