2022: Năm của những chao đảo toàn cầu

31/12/2022 07:15 GMT+7

Bất ổn, xung đột quân sự gây ảnh hưởng toàn cầu khiến không chỉ chính trị, quan hệ quốc tế mà cả kinh tế thế giới cũng gánh chịu những hệ lụy đáng lo. Đó là những gì đã xảy đến với nhân loại trong năm 2022.

Dù căng thẳng Nga - Ukraine đặc biệt tăng cao vào cuối năm 2021, thế giới vẫn đón chào năm 2022 với những kỳ vọng khởi sắc sau 2 năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19. Thế nhưng, ngày 24.2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine đã dần dẫn đến những hậu quả khôn lường cho thế giới.

Cuộc chiến nhiều hệ lụy

Đến nay, sau hơn 300 ngày xung đột, những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine vẫn là thế giằng co giữa Moscow với Kyiv, và chưa có bất cứ chỉ dấu rõ ràng nào để kỳ vọng giải pháp hòa bình cho 2 bên.

Mỹ đã phải tăng lãi suất cơ bản để đối phó tình trạng lạm phát

Hoàng Đình

Trong khi đó, hệ lụy từ cuộc chiến này đối với kinh tế toàn cầu lại quá rõ ràng. Đầu tiên phải kể đến giá năng lượng. Như nỗi lo của thế giới từ trước khi cuộc chiến nổ ra, giá dầu đã tăng cao do nguồn cung bị hạn chế, nhất là khi phương Tây tăng cường trừng phạt Moscow do đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Kyiv. Sau mức đỉnh vượt quá 120 USD/thùng, giá dầu đến nay đã giảm nhiệt và kết thúc năm 2022 với mức khoảng 80 USD/thùng, nhưng như giới chuyên gia dự báo thì “thế giới sẽ không còn quay lại thời kỳ giá dầu rẻ”. Dù giá dầu cao nhưng những lệnh trừng phạt vẫn kéo lùi nền kinh tế của nước Nga, trong khi Ukraine bị tàn phá với thiệt hại mà giới phân tích dự báo phải tiêu tốn hàng trăm tỉ USD cùng nhiều năm mới có thể khắc phục.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 309, tên lửa Ukraine bay vào Belarus, Kyiv nói xin Mỹ 100 cường kích A-10

Không chỉ gây ảnh hưởng đến giá dầu, chiến sự Ukraine còn thay đổi cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu khi châu Âu tìm cách hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Qua đó, Mỹ từng bước trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho cựu lục địa.

Không những giá dầu tăng cao mà giá thực phẩm cũng leo thang. Theo tờ The New York Times, trước khi bùng nổ chiến sự, Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Nga cùng với Ukraine đang chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Nguồn ngũ cốc của 2 nước này có vai trò quan trọng với nhiều nơi, điển hình chiếm gần 70% trong lượng nhập khẩu của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Được mệnh danh là “ổ bánh mì của châu Âu”, Ukraine là nhà cung cấp lượng lớn lúa mì và bắp cho các nước trong khu vực này. Vì thế, chiến sự Ukraine khiến giá lúa mì và ngô tăng cao, dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền đối với thị trường thực phẩm.

Vì sao kinh tế năm 2023 sẽ có cảm giác suy thoái?

Không những vậy, Ukraine còn là nhà cung cấp lớn trên thế giới trong lĩnh vực phân bón, và lúa mì, bắp cũng là nguyên liệu chính của nhiều loại thức ăn chăn nuôi. Cho nên, ngay cả tại những quốc gia không sử dụng lúa mì, bắp làm nguồn nông sản chính thì giá cả thực phẩm vẫn tăng do chi phí chăn nuôi, trồng trọt tăng lên. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển cũng tăng do giá dầu tăng.

Tất cả tạo nên một chuỗi hệ lụy cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia. Kết quả, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cơ bản, kéo theo việc ngân hàng trung ương hầu hết các nước đều áp dụng tương tự khiến kinh tế thêm khó khăn.

Đến cạnh tranh giữa các nước lớn

Tuy nhiên, chiến sự Ukraine không phải là nguồn cơn duy nhất gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu. Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao với hàng loạt diễn biến từ khu vực Đông Bắc Á đến vùng nam Thái Bình Dương, rồi trải đến Ấn Độ Dương. Trong đó, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào đầu tháng 8 đã khiến tình hình Đông Bắc Á nói chung, eo biển Đài Loan nói riêng, rơi vào một trạng thái “bình thường mới” căng thẳng hơn.

Tiền đề thay đổi

Giữa những diễn biến nối tiếp, làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc đã hình thành rõ nét hơn. Trong đó, Ấn Độ, Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á trở thành những điểm đến đầy tiềm năng.

Cùng lúc, Washington nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là thông qua chương trình tham vọng như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) hay đạo luật Chíp và Khoa học… Và những nhà máy sản xuất chíp của TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc) đã được bắt đầu xây dựng trên đất Mỹ, hứa hẹn những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giữa bối cảnh như vậy, Nhật Bản đã hiện thực hóa biện pháp ứng phó các rủi ro ở khu vực bằng việc tăng cường hoạt động quân sự, mở rộng ảnh hưởng. Chiến lược này của Nhật Bản được duy trì mạnh mẽ ngay cả khi nhà cựu lãnh đạo Nhật Bản, người có chiều hướng cứng rắn và ảnh hưởng lớn trên chính trường, là ông Shinzo Abe qua đời do bị ám sát vào đầu tháng 7.

Trong khi đó, song hành những căng thẳng ngoại giao, xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn, đã tạo nên sức ép lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Không những vậy, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng) cũng khiến nền sản xuất nước này - vốn vẫn giữ vai trò “công xưởng thế giới” - gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm trong năm qua, các biện pháp phòng chống dịch của Trung Quốc đã “phong tỏa” các khu vực kinh tế chiếm 21% GDP nước này.

Vấn đề Đài Loan vẫn sẽ là trung tâm căng thẳng Mỹ-Trung Quốc vào năm 2023

Những thực tế trên đã khiến kinh tế toàn cầu khó càng thêm khó. Kết quả, hầu hết định chế tài chính, tổ chức nghiên cứu và các tập đoàn tài chính uy tín đều hạ mức kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2023 kèm theo các dự báo đầy ảm đạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.