21 năm sau vụ khủng bố 11.9: Nỗi đau vẫn còn đó

11/09/2022 15:00 GMT+7

Cách đây 21 năm tại Mỹ, 4 chiếc máy bay đã bị 19 thành viên al-Qaeda cướp rồi lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới , Lầu Năm Góc và một cánh đồng, lấy đi mạng sống của hơn 3.000 người trong vụ khủng bố rúng động cả thế giới.

Ngày 11.9.2001, vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử thế giới hiện đại đã diễn ra tại Mỹ. 19 kẻ khủng bố có liên quan đến al-Qaeda đã cướp 4 chiếc máy bay đang khởi hành đến California. Trong bức ảnh này, một chiếc trực thăng bay ngang Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York sau khi một tòa tháp của WTC bị máy bay đâm vào.

reuters

8 giờ 45 ngày 11.9.2001 (giờ Mỹ), một chiếc Boeing 767 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tháp bắc của WTC. Cú va chạm tạo ra một lỗ hổng cùng đám lửa khổng lồ gần tầng 80 của tòa nhà 110 tầng.

chụp màn hình nbc news

17 phút sau, vào lúc 9 giờ 3 phút, chuyến bay số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 60 tòa tháp nam của WTC. Khi các tòa tháp bị tấn công, khoảng 16.400-18.000 người đang ở trong khu phức hợp WTC.

chụp màn hình the new york times

Các tòa nhà này không thể chịu được sức nóng khủng khiếp từ nhiên liệu máy bay bốc cháy. Lúc gần 10 giờ, tòa tháp nam của WTC sụp đổ. Trong ảnh, tòa tháp thứ hai của WTC bốc cháy sau khi bị một chiếc máy bay đâm vào.

reuters

Khoảng nửa giờ sau khi tòa tháp đầu tiên sụp đổ, tòa tháp thứ hai của WTC cũng sụp xuống, tạo thành một đám mây bụi khổng lồ.

reuters

Vụ tấn công ngày 11.9 đã khiến 2.977 người từ 93 quốc gia thiệt mạng. Trong đó, 2.753 người thiệt mạng trong vụ tấn công tòa tháp đôi ở New York. Trong ảnh là đống đổ nát tại WTC sau khi hai tòa tháp đôi sụp xuống.

chụp màn hình the new york times

Trong khi hàng triệu người theo dõi vụ khủng bố ở New York, chuyến bay số hiệu 77 của American Airlines đã bay vòng qua trung tâm Washington, D.C., và lao vào phía tây của Lầu Năm Góc lúc 9 giờ 45. Trong ảnh là Lầu Năm Góc bị hư hại sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9

reuters

Nhiên liệu của chiếc Boeing 757 đã gây ra một đám cháy kinh hoàng, làm sụp đổ một phần Lầu Năm Góc. Vụ tấn công tại đây khiến 125 quân nhân và dân thường thiệt mạng, cùng với toàn bộ 64 người trên máy bay. Trong bức ảnh trên, các nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa tại Lầu Năm Góc sau khi nơi này bị máy bay đâm vào.

reuters

Sau khi biết về các vụ tấn công khác, hành khách trên chiếc máy bay thứ tư bị cướp, chuyến bay số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines, đã chống trả lại khủng bố. Cuối cùng, chiếc máy bay này đã rơi xuống một cánh đồng trống ở phía tây bang Pennsylvania vào khoảng 10 giờ 10 phút. Toàn bộ 44 người trên chiếc máy bay này thiệt mạng. Trong ảnh là các nhà điều tra đang đến nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay thương mại gần Shanksville, Pennsylvania.

reuters

Một người đàn ông đứng trong đống đổ nát và tìm người cần được giúp đỡ sau khi tòa tháp đầu tiên của WTC sụp đổ. Kế hoạch thực hiện vụ tấn công 11.9 đã được thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden và các cộng sự vạch ra. 15 trong số 19 kẻ khủng bố đến từ Ả Rập Xê Út, hai kẻ đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một kẻ đến từ Lebanon và một kẻ đến từ Ai Cập.

afp

Trong ảnh là một lính cứu hỏa thành phố New York kêu gọi thêm nhân viên cứu hộ đi vào đống đổ nát của WTC vào ngày 15.9.2001. Sau vụ tấn công 11.9, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu nhằm vô hiệu hóa một số căn cứ của al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác. Năm 2011, lực lượng Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong một chiến dịch quân sự tại Abbottabad, Pakistan.

reuters

Một lá cờ Mỹ tại nơi hai tòa tháp đôi của WTC sập xuống. Đầu tháng 8, Tổng thống Joe Biden công bố Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri (71 tuổi), một trong những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới và là nghi can chủ mưu vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001.

reuters

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.