23.000 tù nhân viết tự truyện - Cần xác lập một kỷ lục Guinness

07/11/2012 04:00 GMT+7

Cách đây tròn 1 năm (tháng 11.2011), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã tổ chức lễ tổng kết và trao thưởng Cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” với sự tham gia của hơn 23.000 phạm nhân.

Cách đây tròn 1 năm (tháng 11.2011), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã tổ chức lễ tổng kết và trao thưởng Cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” với sự tham gia của hơn 23.000 phạm nhân.

 Cuộc thi viết tự truyện đã vượt quá mong muốn ban đầu khi có tới 23.079 phạm nhân, trại viên tham gia với hơn 150.000 trang viết tay hoặc đánh máy. Thiết nghĩ, với số lượng người viết tham gia nói trên, có lẽ các cơ quan chức năng và Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings cần tổ chức xem xét để xác lập kỷ lục này như một kỷ lục Guinness của Việt Nam và thế giới về cuộc thi tù nhân viết tự truyện độc nhất vô nhị này.

Trao đổi với PV Thanh Niên về cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng, Tổng cục VIII, Bộ Công an cho biết: “Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, vì sự tiến bộ và phát triển của con người, dù họ một thời lầm lỡ, đã từng làm điều xấu, gây tội ác. Cuộc thi cũng thiết thực góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, phương pháp giáo dục phạm nhân, trại viên. Có được kết quả ấy, trước hết là sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an; vai trò chủ động của Cục C86 phối hợp với NXB Công an nhân dân và sự nỗ lực của các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước. Thông qua cuộc thi này cho thấy nguồn lực trí tuệ, sức sáng tạo trong phạm nhân, trại viên là rất phong phú, đa dạng và đầy tiềm năng. Với số lượng hơn 23.000 phạm nhân, trại viên tham gia; nội dung, chất lượng bài thi rất đáng trân trọng, cuộc thi đã thực sự tạo diễn đàn cho họ được bộc lộ trọng vẹn nhất, khắc sâu nhất về sự hối hận, khơi dậy lòng tự trọng, tự tin, tình yêu cuộc sống và khát vọng hoàn lương”.

Vượt lên mặc cảm để phục thiện

 Nhận xét về chất lượng các tự truyện, thiếu tướng Hảo cho rằng: “Nhiều bài viết để lại ấn tượng tốt, cảm động về tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, bổn phận đối với gia đình con cái, mong ước được làm tròn chữ “hiếu” đối với cha mẹ, ông bà. Dù trong vòng lao lý, họ vẫn đầy tình yêu thương, mong ước hạnh phúc, trăn trở về cuộc sống, mong ước được tha thứ, được chấp nhận, được tôn trọng, đó là những xúc cảm thật, thể hiện bằng những lời văn làm lay động lòng người, khơi dậy bản tính thiện trong những con người có quá khứ tội lỗi. Đây chính là điểm tựa, là mầm thiện tốt lành để chúng ta kích thích, tác động giáo dục, nâng đỡ vực dậy trong họ những giá trị sống, giá trị làm người, từ bỏ cái ác, vượt qua mặc cảm, để sống lương thiện, có ích cho gia đình, cộng đồng xã hội”.

Đánh giá về công việc “bếp núc” của người viết tự truyện, Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Tự kể chuyện cuộc đời mình, nhất là những chuyện lầm lạc, xấu xa tới mức tội lỗi, là cả một sự cố gắng to lớn của các phạm nhân và trại viên. Bởi theo quy luật tâm lý tình cảm thông thường, không ai muốn gợi lại quá khứ buồn đau, những vết thương lòng thầm kín. Chắc chắn, mỗi người trước khi đặt bút đều phải suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt... Họ phải tự mình vượt lên sự mặc cảm quá khứ tội lỗi và chiến thắng chính mình.

Cựu tử tù Đặng Văn Thế (giải nhất cuộc thi) cho biết: Để có tác phẩm dự thi, hằng ngày vẫn đi lao động, anh phải chật vật viết trong 15 đêm liền, mỗi đêm tranh thủ khoảng 2 tiếng đồng hồ, trước khi đi ngủ. Thế mới học hết lớp 4, do tay phải bị tật từ nhỏ, nên anh ta viết bằng tay trái, đánh vật với trang giấy vất vả như cày cuốc. Chữ xấu và khó xem, nên Thế đã phải nhờ một người bạn tù chép lại bản thảo trước khi gửi cho Ban tổ chức cuộc thi… Còn phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai (giải nhất cuộc thi), với trình độ văn hóa lớp 9/12, lại ốm đau liên miên, nên chị vừa phải kiên cường chống lại bệnh tật, vừa tranh thủ giờ nghỉ, say sưa cần mẫn viết, thể hiện bản thảo trong gần một tháng trời. Hoàng Mai cho biết thực ra chị đã ghi hàng trăm trang nhật ký về cuộc đời mình, nhưng tiếc là cuốn sổ đó đã mất, nên chị phải vừa nhớ lại, vừa viết với quyết tâm rất cao. Viết xong trang cuối, cảm giác nhẹ cả người. Tác phẩm Bước về phía mặt trời của Trần Thị Hoàng Mai đã khiến nhiều thành viên giám khảo bất ngờ, bởi nó chứa đựng một dung lượng thông tin lớn về quan hệ giữa người với người trong gia đình và xã hội; cuộc đời và thân phận của nhân vật chính đầy kịch tính và đậm chất tiểu thuyết. Nếu tác giả dụng công hơn, có thể triển khai viết thành một cuốn sách dày dặn và hấp dẫn bạn đọc.

Chia sẻ với cộng đồng xã hội

Nhà văn Đặng Vương Hưng, thành viên Ban giám khảo cuộc thi (người đã cung cấp tư liệu cho Báo Thanh Niên trong loạt bài giới thiệu 23.000 tù nhân viết tự truyện) nhận xét: “Đã 365 ngày trôi qua, nhưng dư âm sự kiện nhân văn “Hàng vạn phạm nhân cùng thi viết tự truyện” lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam nói trên dường như vẫn còn vang vọng trong nhiều bạn đọc. Một năm qua, tôi vẫn thường nhận được điện thoại, email của người nhà các phạm nhân cảm ơn và hỏi thăm: “Liệu còn có những cuộc thi tương tự như thế được tổ chức nữa không?”. Nhiều bạn đọc đã không cầm được nước mắt, khi thấu hiểu và đồng cảm với những thân phận cuộc đời của những con người một thời lầm lỗi, không may mắn, có trong cuốn sách Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng và coi đó làm bài học cho chính mình, để sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Một số bạn đọc còn muốn gửi lời thăm hỏi tới phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai và thân nhân của chị. Cầu chúc cho các anh chị phạm nhân đều có sức khỏe, cải tạo tốt, để nhận được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, sớm trở về gia đình, hòa nhập với cộng đồng và xã hội... Tôi chỉ là một nhà văn có may mắn và vinh dự được mời tham gia ban tổ chức và giám khảo, góp phần đề xuất ý tưởng cho cuộc thi nêu trên; hơn nữa, còn được Ban tổ chức tạo điều kiện tham gia đoàn công tác đi thâm nhập thực tế ở một số trại giam... nên biết được một số công việc "bếp núc" và những chi tiết thú vị, bây giờ mới kể, để hầu chuyện cùng bạn đọc Báo Thanh Niên...”.

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo cũng nhận xét: “Đây là một cuộc thi độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc. Nó độc đáo bởi đối tượng dự thi là những phạm nhân, trại viên đang ở các trại giam, trại tạm giam và cơ sở giáo dục. Nó nhân văn bởi hầu hết các bài thi đều được viết theo thể loại tự truyện, nghĩa là nhân vật với tác giả là một; là người thật, việc thật, không hư cấu. Họ được quyền giãi bày tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình không chỉ với người thân, gia đình mà với cả xã hội. Điều đặc biệt hơn: Các phạm nhân dù đang thi hành án, nhưng họ vẫn được quyền đứng tên tác giả đối với các tác phẩm của mình, khi phát hành công khai”.

Góp ý kiến về việc xác lập kỷ lục Guinness của cuộc thi này, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: “Nếu tôi không nhầm thì trên thế giới, người ta mới chỉ tổ chức cho các nhà văn, nhà báo, các chuyên gia nghiên cứu tội phạm… thi viết về cuộc đời các phạm nhân. Lần đầu tiên có một quốc gia như Việt Nam tổ chức cho các phạm nhân đang thi hành án viết tự truyện về cuộc đời mình”.

Nguyễn Việt Chiến

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tình yêu của người vợ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Ba lần vào tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Nẻo về của một trí thức trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Nỗi đau của hai người mẹ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tội ác và trừng phạt
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.