23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người

01/11/2012 03:10 GMT+7

Có thể nói tự truyện Bố ơi hãy đến thăm con của phạm nhân Nguyễn Mạnh Tùng, ở trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ với tâm sự xa xót của một người con bị ruồng bỏ đã khiến người đọc xúc động. Ban tổ chức đã trao giải nhì cho tự truyện này.

Trước khi sa vào con đường nghiện hút, Nguyễn Mạnh Tùng từng là một đứa con ngoan, một học sinh ngoan. Nhưng không giống những đứa trẻ bình thường khác, tuổi thơ của em lại thấm tháp niềm cay đắng; sự vô tư, trong sáng được thế chỗ bằng những hận thù và ngờ vực. Tùng cho biết, 10 năm đầu đời, em cũng được bố mẹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc.

 Minh họa trong tự truyện viết tay của một phạm nhân
Minh họa trong tự truyện viết tay của một phạm nhân - Ảnh: Đ.V.H cung cấp

Nhưng rồi thời gian hạnh phúc đó không được bao lâu kể từ khi Tùng bước chân vào cấp 2. Những trận đòn roi, những lời mắng chửi của bố vô cớ giáng xuống đầu em. Tùng không hiểu tại sao lại như thế. Từ một người cha yêu chiều em hết mực, bố trở nên thay đổi lạ thường. Không còn những lời dặn dò con trước lúc đi học, không còn những câu an ủi lúc con bị điểm kém. Mà thay vào đó là những trận đòn roi, là ánh mắt, là nỗi hằn học khó hiểu. Thời điểm ấy, năm nào Tùng cũng là học sinh khá của lớp, được thầy cô đánh giá là một học sinh ngoan. Tùng cứ tưởng với một đứa trẻ bình thường như vậy là đủ, nhưng sao bố lại làm thế với em? Ngày tháng trôi qua, Tùng vẫn cam chịu những trận đòn mà bố gây ra. Còn mẹ chỉ biết im lặng và an ủi em. Một bầu không khí khó hiểu, nặng nề bao trùm lên cuộc sống gia đình.

Giận cho vọt, ghét cho roi

Tùng xót xa bộc bạch: “Tuổi thơ ngây dại của tôi cứ im lặng đi bên lề những nỗi buồn thường trực. Nỗi buồn nào nhận mãi cũng thành quen. Dần dần, tôi thấy mình vô cảm trước những trận đòn, những lời mắng chửi, da thịt tôi cũng dần trở nên chai sạn, tâm hồn tôi cũng dần trở nên chai sạn. Rồi đến một ngày tôi cũng đã tìm thấy được câu trả lời cho mình về cách hành xử của bố đối với tôi. Sự thật mà tôi không bao giờ tin, không muốn tin, một lý do mà bao nhiêu năm nay chỉ vì nó mà tôi bị đánh đập và bị mắng chửi thậm tệ. Bố tôi nghi ngờ mẹ tôi “có bồ”. Tuổi thơ tôi cũng không định nghĩa chính xác được “có bồ” là gì nhưng tôi hiểu, tình cảm bố mẹ tôi chỉ như chiếc áo người ta mặc bên ngoài để che đậy những rách nát bên trong, hoặc nó cũng chẳng là gì cả, một sự trống rỗng vô hình. Và tôi là một thứ vô nghĩa tồn tại trong sự vô hình, trong sự giả tạo ấy. Nhưng trái tim yếu đuối của tôi vẫn hướng về mẹ, tôi không bao giờ tin mẹ tôi lại là người như thế, tôi không tin, không bao giờ tin!”.

Rồi Tùng thi vào được cấp 3, và bắt đầu làm quen với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Bi kịch của Tùng không dừng lại: “Một ngày kia khi đi chơi về, tôi tình cờ thấy bố mẹ tôi cãi nhau. Đứng ở ngoài một lúc, tôi thấy bố định đánh mẹ. Ý thức tự vệ trong tôi trỗi dậy, tôi lao vào can ngăn. Bố đã tát tôi một cái trời giáng và nói một câu không bao giờ tôi quên: “Mày không phải con tao”. Câu nói như sét đánh vào tâm hồn thơ dại, tôi đã làm gì mà bố tôi nỡ lòng chà đạp lên trái tim tôi như thế? Tôi đã bỏ đi bốn ngày không về nhà và trong những ngày đó tôi chơi bạt mạng, không nghĩ về chuyện gì khác. Rồi một đêm định mệnh của đời tôi, tôi đã không khống chế được mình và đã lao vào con đường hút chích.

Mong bố một lần vào thăm

Sau đó, Tùng bị bắt và đưa vào trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Chỉ có mẹ em đến thăm nuôi. Tùng cho biết, trong thâm tâm vẫn hằng mong dù chỉ một lần, bố sẽ đến thăm em, sẽ quên những hận thù và em sẽ có cơ hội được vỗ về trong tình yêu thương của cả cha và mẹ. Ngày Tùng ra tòa lĩnh án, em nhìn ngang nhìn dọc chỉ thấy mẹ và các cậu, các bác, nhưng không thấy bố. Em rất buồn, vì mình có lỗi nên cũng không thể trách bố được. Khi tòa tuyên án Tùng 27 tháng tù, mẹ em đã khóc. Tùng cho biết, lúc đó em thấy đau như ai đó cầm dao đâm vào tim, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng và làm theo những lời dặn dò của mẹ.

Trong trại giam, Tùng giãi bày: “Sau một thời gian ra cải tạo, giờ đây tôi đã quen công việc nhưng mỗi tối đi làm về tôi lại ngồi một mình đối diện với một nỗi buồn không tên. Tôi không biết tại sao tôi lại tự cô lập mình như thế. Tôi chỉ biết rằng tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình nhỏ bé của tôi và tiếc cho số phận của mình. Giá như tôi can đảm hơn, giá như có ai đó luôn bên cạnh bảo ban, động viên thì có lẽ tôi đã không giẫm chân vào con đường bùn lầy. Trong ý nghĩ bao người, trại giam là chốn khắc nghiệt, là “đáy” của cuộc sống. Nhưng phía sau những song sắt có vẻ lạnh lẽo ấy, tôi nhận ra cuộc đời không khép lại. Nhiều mảnh đời một thời lầm lỡ như tôi được mở ra bằng khát vọng về một tương lai mới, sáng hơn. Vì thế, tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có ngày về với gia đình và xã hội, tôi sẽ tìm một công việc lương thiện, lấy vợ, sinh con để sống một cuộc sống có ý nghĩa”. Trong lời kết tự truyện, Tùng mong mỏi: “Mẹ ơi, mẹ hãy tin con, con sẽ cố gắng cải tạo để sớm được về với mẹ, để có thể chuộc lại những lỗi lầm mà con đã gây ra. Con mong mẹ hãy sớm tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Và giúp con nói với bố rằng, con mong bố hãy đến thăm con dù chỉ một lần, con thèm lắm cảm giác được yêu thương trong vòng tay của cha mẹ. Con sẽ rũ bỏ tội lỗi, đứng dậy làm người…”.

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Ba lần vào tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Nẻo về của một trí thức trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Nỗi đau của hai người mẹ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tội ác và trừng phạt
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.