Xin thiếu tướng cho biết diễn biến cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện?
Tôi không biết có phải Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức cuộc thi cho phạm nhân viết tự truyện hay không, nhưng có thể khẳng định đây là cuộc thi độc đáo, mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục VIII đã thành lập ban tổ chức và giao cho Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng (C86) triển khai cuộc thi và phát động phạm nhân ở các trại giam, tạm giam, trại viên ở các trại giáo dục và học sinh các trường giáo dưỡng tham gia. Điều quan trọng, qua tự truyện, mỗi phạm nhân tham gia cuộc thi này phải thể hiện được sự hối hận trước những tội lỗi do mình gây ra, phải cải tạo tiến bộ để sau này trở lại xã hội với niềm tin hướng thiện. Cuộc thi đã khơi dậy tính nhân văn, tính chân thật trong mỗi phạm nhân để họ tự cải tạo mình và giúp họ hướng tới được sự giáo dục, cải tạo để sau này trở về là người có ích cho xã hội.
|
Ông có ngạc nhiên trước việc đã có hơn 23.000 phạm nhân ở 99 trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục ở cả nước tham gia cuộc thi viết tự truyện này?
Vì đa số các phạm nhân thi hành án ở các trại giam đều yên tâm cải tạo nên khi phát động cuộc thi này họ tham gia rất đông. Chỉ trong 5 tháng phát động cuộc thi đã có 23.079 phạm nhân, trại viên tham gia với hơn 150.000 trang viết tay hoặc đánh máy, cho thấy cuộc thi đã thu hút đông đảo phạm nhân tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Điều quan trọng là qua việc viết tự truyện, họ đã tự giáo dục chính mình và đấy cũng là mục đích cốt lõi của cuộc thi. Hơn nữa, chính 23.000 phạm nhân viết tự truyện sẽ lan tỏa tác động tới nhiều phạm nhân khác, vì một người viết sẽ có rất nhiều người xung quanh đọc tự truyện của anh ta trong trại giam nên tác dụng của giáo dục là khá lớn. Mặt khác, qua các tự truyện của phạm nhân, xã hội cũng sẽ chia sẻ, thông cảm hơn đối với nhu cầu được giãi bày, khao khát hoàn lương của họ và mong muốn cộng đồng xã hội sẽ không kỳ thị và chung tay giúp họ. Đến nay, hồi âm về cuộc thi này khá tốt, dư luận xã hội đón nhận các tự truyện của phạm nhân theo hướng tích cực. Vấn đề chúng tôi quan tâm qua cuộc thi này không phải là có bài hay và được giải cao, mà điều quan trọng là hiệu quả tác động giáo dục của cuộc thi đối với mỗi người viết, họ được đứng tên tác giả, được nhận nhuận bút cho tự truyện của mình. Tổng số tiền các đơn vị trao thưởng cho phạm nhân, trại viên đoạt giải khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, các tự truyện của cuộc thi đã được chúng tôi in trong cuốn sách Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng với hơn 10.000 bản nhưng không phát hành ra ngoài mà đưa vào tủ sách của các trại giam, trại tạm giam trên phạm vi cả nước để phục vụ công tác giáo dục phạm nhân.
Thời gian tới Tổng cục VIII và Cục C86 sẽ tiếp tục có sáng kiến tổ chức các cuộc thi giáo dục phạm nhân thu được thành công như cuộc thi viết tự truyện?
Chúng tôi vừa tổng kết và trao giải cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Khát vọng hoàn lương và đã có 232 bức tranh (chất liệu sơn dầu, bột màu trên giấy) được Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Trần Khánh Chương đánh giá khá cao về mặt chuyên môn. Cuộc thi vẽ tranh này không nhằm tới mục đích mỹ thuật, đích hướng tới là dùng tranh vẽ để giáo dục các phạm nhân khác về chủ đề hoàn lương. Vừa qua, Hội LHTNVN và Tổng cục VIII, Bộ Công an đã ký kết thỏa thuận phối hợp tham gia giáo dục phạm nhân trong các trại giam và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và Báo Thanh Niên cũng là một thành viên. Chúng tôi đang triển khai thí điểm ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) vận động phạm nhân tham gia cuộc thi viết thư với chủ đề Gửi lời xin lỗi tới những người bị hại mà phạm nhân trước đây đã gây lỗi, làm hại họ, hoặc gửi thư xin lỗi bố mẹ, người thân trong gia đình phạm nhân. Sau khi rút kinh nghiệm làm điểm, chúng tôi sẽ triển khai rộng hơn cuộc thi viết thư này.
Dự thi với quyết tâm và nghị lực rất cao Trong số các phạm nhân nhiệt tình tham gia viết tự truyện, có trường hợp nào nổi trội và đặc biệt, thưa ông? Có nhiều phạm nhân, trại viên viết bài với quyết tâm, ý chí và nghị lực rất cao, như: phạm nhân Đặng Văn Thế (trại giam số 6) mới học hết lớp 4, do tay phải bị tật từ nhỏ, nên phải viết bằng tay trái rất khó khăn, nhưng đã quyết tâm hoàn thành tác phẩm trong 15 đêm liền; phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai (trại giam Thanh Xuân), trình độ văn hóa lớp 9/12, ốm đau liên miên do bị HIV/AIDS giai đoạn cuối nhưng chị đã kiên cường chống chọi với bệnh tật, cần mẫn viết trong gần 1 tháng với quyết tâm rất cao để hoàn thành bài dự thi. Tự kể chuyện cuộc đời mình, nhất là những chuyện lầm lạc, tội lỗi là cả một sự cố gắng lớn cho các phạm nhân, trại viên khi gợi lại quá khứ buồn đau, những tổn thương thầm kín. Chắc chắn trước khi đặt bút, họ đều phải suy nghĩ trăn trở, dằn vặt rất nhiều. Tham gia cuộc thi có những phạm nhân từng là “nhân vật nổi tiếng”, có thể được coi là các trường hợp khá điển hình của trí thức trẻ phạm tội trong thời mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế như phạm nhân Lê Quang Hưng, sinh năm 1977 là người rất thông minh, với 2 bằng đại học chính quy loại giỏi, đã làm xong luận án tiến sĩ về lĩnh vực tài chính, có nhiều bài báo hay, từng xuất hiện trên một số chương trình truyền hình; phạm nhân Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc, sinh năm 1977, tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế, sử dụng thành thạo tiếng Anh, làm biên tập viên đài truyền hình và từng nổi danh trong làng người mẫu. Xét về nghệ thuật bút pháp thể hiện, dù phải viết theo thể loại ký, tự truyện và yêu cầu bám sát nội dung, chủ đề cuộc thi nhưng chất lượng các bài không thua kém so với nhiều cuộc thi cùng loại. Nhiều bài viết thể hiện sự sáng tạo, kể chuyện cuộc đời mình với tình tiết hấp dẫn, làm người đọc không cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Cuộc thi đã thực sự tạo diễn đàn cho phạm nhân, trại viên được bộc lộ trọn vẹn nhất, khắc sâu nhất về sự hối hận, niềm tin phục thiện, khơi dậy lòng tự trọng, tự tin, tình yêu cuộc sống và khát vọng hoàn lương. Đồng thời qua những trang viết, chúng ta hiểu rõ hơn về những nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến phạm tội cũng như tâm lý của họ… để có phương pháp tiếp cận, giáo dục đạt hiệu quả nhất. |
Nguyễn Việt Chiến
(thực hiện)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
Bình luận (0)