Chương cho biết, sau một số phi vụ làm ăn, anh đã cùng T. - một nhân vật quan trọng trong đường dây đưa người xuyên quốc gia - bay sang Campuchia để nắm rõ việc hoạt động của đường dây này. T. đã cho Chương biết tường tận về phương thức, công đoạn để tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài bất hợp pháp và tiết lộ về chi phí thực tế đối với một người đi đến các thị trường cụ thể như: Úc, Mỹ, Canada, Đông Đức, Đông u, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Chương kể lại: “Lẽ ra tôi phải dừng lại ở đây, tìm cách trở về Việt Nam tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của họ, vậy mà ma lực của đồng tiền cùng với sự yếu kém bản lĩnh sống, nên tôi đã lắng nghe và chấp nhận cùng hội, cùng thuyền với họ, đồng nghĩa với việc tôi phải chịu trách nhiệm gom người, gom tiền và thu tiền ở Việt Nam, trực tiếp tổ chức đưa đón người đi đến Campuchia, Thái Lan. Tại đây, họ hoàn chỉnh các giấy tờ giả, hộ chiếu công vụ, đóng công hàm giả của Bộ Ngoại giao Việt Nam. T. chịu trách nhiệm bố trí kế hoạch bay các chuyến, người khác chịu trách nhiệm đưa đón các đoàn đi và chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, nơi ăn ở cho những người đi trên địa bàn Campuchia và Thái Lan, với tỷ lệ ăn chia tôi hưởng 50% số tiền lợi nhuận, 50% còn lại bọn T. chia nhau. Và một quy tắc ngầm được thiết lập là mọi công đoạn thực hiện độc lập “qua cầu rút ván” không ai được tiết lộ về việc làm của ai dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, và thông tin về khách hàng phải đảm bảo tuyệt đối trung thực không được giả mạo hay che giấu”.
|
Vậy là Chương đã quyết định trực tiếp tham gia vào đường dây tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài bất hợp pháp. Chương cho biết đã nung nấu ý định thiết lập một hệ thống nhà ở phục vụ cho việc đưa đón khách nghỉ ngơi như các trạm trung chuyển, vừa thuận lợi an toàn vừa tiết kiệm chi phí. Đồng thời khi về Việt Nam sẽ tạo dựng mạng lưới chân rết đáng tin cậy ở các địa bàn có nhu cầu người đi nước ngoài khá lớn như Hà Tây, Hải Dương, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Với viễn cảnh lợi nhuận cực lớn thu được, Chương hy vọng có thể đầu tư mua trang thiết bị mở rộng các dự án thực hiện trong tương lai và trung tâm của Chương sẽ thực sự là trung tâm phát triển, ứng dụng tin học đầu tiên ở khu vực miền Trung.
Lún sâu vào tội lỗi
Ba ngày sau, Chương trở về Việt Nam và trong hành lý mang theo của anh ta, có một bộ dấu giả của “Trung tâm thông tin thương mại”, Bộ Thương mại, dấu chức danh, dấu tên và con dấu “Trung tâm thông tin thương mại chi nhánh khu vực miền Trung”. Chương đã thuê một căn nhà 3 tầng ở đường Lý Tự Trọng, phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh làm văn phòng trung tâm với trang thiết bị hiện đại. Chương tiếp tục thực hiện các phi vụ đưa người trốn ra nước ngoài như dự tính. Qua những gia đình trước đây có con em đi thành công, Chương nhận tiền và trực tiếp đưa 10 người đi Đức với giá thỏa thuận là 7.000 USD/người. Chỉ chưa đến một tuần sau, toàn bộ số khách hàng này đã đến Đức an toàn, gặp người thân rồi điện về nhà. Trừ các khoản chi phí, Chương lãi hơn 25.000 USD. Uy tín lúc này của Chương lên cao, lại sẵn có tiền vốn, anh ta quyết định nhận và đưa người đi các nước theo yêu cầu thỏa thuận, thậm chí chỉ cần có đảm bảo, Chương sẵn sàng chi tiền trước.
Chương cho biết, “chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 5 -9.2000), đã tổ chức thành công 8 chuyến cho 68 khách hàng, thu về khoản lợi nhuận 120.000 USD. Toàn bộ số tiền thu được, Chương ra Hà Nội mua sắm thêm 50 chiếc máy tính, một nhà 3 tầng vừa là nhà hàng karaoke 16 phòng, vừa là nơi để khách ăn nghỉ chờ đợi, 1 xe ô tô hiệu Toyota Camry, 2 xe máy và một phòng tại chung cư. Tiếp theo, từ tháng 9 đến tháng 10.2000, Chương đã tổ chức thành công hơn 10 chuyến đưa hơn 100 khách hàng ra nước ngoài mang về khoản lợi nhuận trên 200.000 USD. Lúc này uy tín của Chương lên cao đến nỗi kể cả khi anh từ chối họ vẫn cứ giao tiền vào tay.
“Đi đêm lắm cũng có kỳ gặp nạn”, trong một phi vụ “khủng” đưa hơn 100 người sang Campuchia để đi các nước khác bị thất bại, đường dây của Chương bị cơ quan công an khám phá, bắt giữ. Tại phiên tòa xét xử đường dây này, Chương bị tuyên phạt 24 năm tù, buộc phải bồi thường 1 tỉ 127 triệu đồng và cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Mơ ngày trở về
“Lúc kết thúc phiên tòa, tôi bị còng chặt tay đi giữa hai cán bộ dẫn giải mà mắt lo kiếm tìm hình ảnh những người thân yêu, góc khuất bên ngoài hành lang, mẹ tôi gục khuỵu trong vòng tay cha tôi. Hai mái đầu tóc đã pha sương quện cùng mặn chát giọt sầu khổ đau. Đôi mắt cha tôi nhìn tôi sâu thẳm như trách móc pha lẫn yêu thương, ông đứng lặng ôm mẹ tôi mà tôi thấy ở ông là vị quan tòa không cần lời phán xét. Tôi cố kiếm tìm hình ảnh người vợ tôi yêu quý sau 2 năm không thấy mặt nhưng không thấy. Tôi có cảm nhận dường như em đang ở đâu đó quanh đây, tay bồng đứa con trai chưa đầy ba tháng tuổi, mắt đẫm lệ buồn khô héo nhìn tôi… Tôi chỉ muốn được một lần đối diện với em để nói với em rằng: “Tôi yêu em và con hơn tất cả... Tôi cầu mong em mạnh khỏe, an bình, vượt qua mọi mặc cảm để sống xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc sẽ đến cùng em…”. Đến nay, sau gần 11 năm thụ án, trong tự truyện về đời mình, Chương đang mong ước được hồi sinh và thực hiện giấc mơ sau khi mãn hạn tù trở về, nhất định sẽ theo đuổi công việc có ích cho cộng đồng, đặc biệt mang hết khả năng của mình thực hiện việc đầu tư vào ngành truyền thông và chỉ có vậy, anh mới thực sự làm một người lương thiện.
Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
Bình luận (0)