Cầm trên tay bản thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử Núi mẹ và bản thảo tự truyện Khởi nguồn của Nguyễn Đức Nguyên (50 tuổi, quê Lạng Sơn), tôi thật sự ngạc nhiên về người cựu tử tù có tình yêu nồng cháy với mảnh đất biên cương nơi gia đình anh sinh sống.
|
Đọc kỹ tự truyện mới biết, trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 ở mặt trận Lạng Sơn, Nguyên đã tham gia với tư cách là một người lính địa phương quân. “Ngay từ khi cuộc chiến nổ ra, 17 tuổi tôi đã xung phong vào đội dân quân của thị trấn. Tham gia tiếp tế đạn dược cho đơn vị bộ đội địa phương đánh chặn kẻ địch ngay từ mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Chúng tôi còn tham gia gài mìn chống tăng trên con đường cửa khẩu Chi Ma, trong lúc những tràng đại liên đang nổ liên hồi ở những quả đồi gần đó, những loạt đạn pháo cối nổ dồn dập, mảnh pháo đỏ lừ chém trong không khí. Rồi chúng tôi được tham gia chiến đấu trực tiếp bởi đơn vị địa phương quân tổn thất, không có lực lượng bổ sung. Sự căng thẳng và khốc liệt khiến tôi không còn thấy sợ hãi và thực ra không có thời gian để nghĩ đến cái chết...”. Sau năm 1979, Nguyên được cử đi học và trở về làm cán bộ trợ lý hậu cần cho Tiểu đoàn 9 địa phương quân ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Sau đó Nguyên lấy vợ, một cô gái người dân tộc Tày làm giáo viên ở một trường tiểu học, rồi anh giải ngũ về địa phương.
Trong tự truyện của mình, Nguyên cho biết sự trượt ngã trong cuộc đời anh bắt đầu từ những lần đi theo bạn bè sang Trung Quốc lấy hàng hóa về bán kiếm lời và chuyển từ Việt Nam sang những mặt hàng mà dân buôn Trung Quốc đặt mua. Sau đó, Nguyên quyết định dốc hết toàn bộ vốn liếng của vợ chồng và vay mượn thêm của anh em, bạn bè để buôn hàng nông, lâm sản sang Trung Quốc bán. Thời gian đầu, thần tài như mỉm cười với Nguyên, chuyến buôn nào cũng lãi, lãi hơn cả mức tưởng tượng của anh. Khi chủ hàng Trung Quốc đặt mua mặt hàng mới “xương cọ”, Nguyên lên tận Thái Nguyên, thuê người, tuyển mộ nhân công, đặt mua nhiều cọ để khai thác làm hàng. Những tàu lá cọ được chặt xuống, cho nhân công dùng dao tuốt bỏ hết lá, chỉ còn những xương cọ, đem phơi khô, rồi chất xe mang qua Trung Quốc bán cho chủ hàng. Những chuyến hàng đầu tiên có lãi cao. Nguyên sung sướng vay tiền, tuyển thêm nhân công, mua thêm nhiều cánh rừng cọ mở rộng sản xuất.
Từ buôn cọ đến buôn hàng trắng
Những chuyến hàng sau này, Nguyên không ngờ mình đã rơi vào bẫy hiểm “dìm giá” của chủ hàng Trung Quốc khi họ không mua hàng theo giá thỏa thuận. Hàng mấy chục tấn hàng xương cọ mang sang bên đó phải chất đống trong nhà kho, thuê với giá hàng trăm đồng nhân dân tệ mỗi ngày. Trong khi hàng bị găm lại ở bên kia biên giới thì ở Thái Nguyên, hàng đống xương cọ như núi vẫn “xuất xưởng” hằng ngày và Nguyên vẫn phải vay thêm tiền để trả cho các chủ đồi cọ đặt mua trước đó. Chỉ sau vài tháng, Nguyên phá sản, các chủ nợ săn tìm, thậm chí anh phải trốn tránh họ.
Từ chuyện thua lỗ nói trên, Nguyên dấn thân vào một bi kịch lớn là mua bán ma túy để mong kiếm tiền thật nhanh và trả nợ. Hậu quả là anh đã bị bắt quả tang khi mua bán một số lượng heroin khá lớn tại Lạng Sơn và bị tòa án tỉnh tuyên phạt tử hình về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Nguyên nhớ mãi hình ảnh người mẹ già tóc bạc trắng, ngất đi trong vòng tay của vợ anh cũng đang suy sụp vì đau đớn trước tòa. Sau phiên phúc thẩm giữ nguyên bản án tử hình, Nguyên nói với vợ hãy tha thứ cho anh và cố nuôi hai con nên người, Nguyên bảo sẽ không viết đơn xin tha tội chết vì chịu án chung thân cũng làm khổ thêm vợ con. Liên tiếp mấy ngày sau đó, vợ Nguyên đã vào trại khẩn nài ông giám thị chuyển lời thuyết phục anh ta viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết.
Cũng đã mấy ngày liền, người giám thị già của trại giam tỉnh Lạng Sơn vào thăm tử tù Nguyên. Ông ngồi nói chuyện với Nguyên như một người anh đã từng cùng Nguyên cầm súng giữ chốt biên giới năm xưa, giữa cái sống và cái chết thời chiến tranh ngày nào. Khi Nguyên ngộ ra, ông giám thị già mới đưa bức thư của đứa con gái nhỏ viết cho anh, trong đó có đoạn: “Bố ơi! Con nhớ bố lắm. Đêm qua con nằm mơ thấy bố về, bố bế con trên tay và bảo: Từ nay, bố sẽ không bao giờ xa con, sẽ ở bên con mãi mãi. Con sung sướng hét to bố ơi! Giật mình tỉnh giấc, chẳng thấy bố đâu, con tự trách mình đã thức giấc, sao không mơ lâu hơn nữa để được bố bế trong tay!”. Đọc xong lá thư, nước mắt Nguyên ướt đẫm, anh xin giấy và bút để viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết với một chút hy vọng mong manh.
Sau hơn 700 đêm chờ thi hành án tử hình, như trong một giấc mơ được phục sinh, Nguyên được Chủ tịch nước tha tội chết và điều ước duy nhất của đứa con gái anh đang dần thành sự thật. Nguyên xúc động viết trong tự truyện như sau: “Trong thâm tâm, hắn biết bản án tử hình dành cho những kẻ gieo rắc cái chết trắng như hắn là đích đáng. Nên hắn không khỏi bàng hoàng, bất ngờ vì niềm vui quá lớn đến với hắn. Một lần nữa, Tổ quốc, người mẹ hiền lại mở lòng khoan dung, không chối bỏ những đứa con hư. Đã cho hắn sống để đứng dậy làm người. Hắn tự nhủ sẽ cố gắng để làm lại, chuộc hết tội lỗi của mình, chỉ có vậy ngày trở về với người vợ hiền chung thủy, với hai đứa con yêu quý mới sớm đến...”.
Hiện tại, ở trại giam Nam Hà, người cựu tử tù này đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử Núi mẹ đầu tay của mình về Lạng Sơn như một lời tạ lỗi với quê hương.
Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện
Bình luận (0)